Khảo sát chỉ số năm 2015 cho thấy, đất đai là tranh chấp và khiếu nại phổ biến nhất. 20% vướng mắc dân sự liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và gần 9% liên quan đến bạo lực gia đình.
Nhưng thủ tục giải quyết tranh chấp không rõ ràng, thời gian thụ lý kéo dài và hiệu quả giải quyết còn thấp. Đó cũng là lý do chủ yếu khiến người dân có tâm lý “tự xử” hoặc chọn các giải pháp phi chính thức thay vì tìm đến các thiết chế tư pháp cơ sở.
Mặc dù năm 2015 có nhiều tích cực về hiểu biết pháp luật của người dân nhưng còn 26% người được hỏi không quan tâm đến thông tin pháp luật; chỉ 5% biết thông tin pháp luật từ luật sư.
74% người được hỏi cho rằng chính quyền tạo điều kiện để giải quyết kịp thời và dứt điểm khiếu nại của công dân; 20% cho biết, ở địa phương nơi họ sinh sống “người khiếu nại bị gây khó khăn trong công việc và đời sống”.
Chỉ số sẽ cung cấp thêm thông tin cho tổ chức và người dân tham gia góp phần xây dựng nền tư pháp vì dân |
Cùng với đó, việc tiếp cận tòa án còn nhiều hạn chế do lo ngại về chi phí, thủ tục và niềm tin vào sự công tâm của thẩm phán. Việc xử lý cán bộ, công chức làm sai ở cấp cơ sở chưa thực sự công khai và minh bạch. Chỉ 51% người được hỏi cho biết ở địa phương “cán bộ làm sai đã bị kỷ luật”.
Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị chính sách trong thời gian tới cần tập trung công khai, minh bạch và hiệu quả hoạt động của các thiết chế tư pháp ở cơ sở để xây dựng và tạo dựng niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp địa phương.
Chuyển trọng tâm từ xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật từ TƯ đến địa phương. Đẩy mạnh sự tham gia của người dân vào quản trị địa phương và triển khai dân chủ cơ sở…
Theo các chuyên gia tham gia khảo sát Chỉ số công lý 2015, kết quả nghiên cứu “sẽ có ích cho các cơ quan nhà nước xác định và triển khai các giải pháp hiệu quả, đồng bộ trong thời gian tới. Chỉ số sẽ cung cấp thêm thông tin cho tổ chức và người dân tham gia góp phần xây dựng nền tư pháp vì dân”.
Chỉ số Công lý là một trong những sáng kiến nhằm xây dựng một công cụ đo lường hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp trong bảo đảm tiếp cận công lý, bình đẳng và bảo vệ quyền dựa trên sự phản hồi từ trải nghiệm và quan sát thực tiễn của người dân về hoạt động của hệ thống công quyền.
Chỉ số Công lý là kết quả hợp tác của Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc từ năm 2010 đến nay