Sự phân biệt từ chiếc khẩu trang
Cheryl Man là người duy nhất đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm ở Thành phố New York. Bình thường người khác chỉ nhìn cô một cách hiếu kì. Nhưng hôm thứ Ba vừa rồi, một nhóm thanh thiếu niên đã chế nhạo cô và ho về phía cô.
“Tôi cảm thấy rất bị sỉ nhục và hiểu lầm”, Man nói.
Cô sinh viên kiêm trợ lý nghiên cứu 20 tuổi người gốc Trung Quốc này cũng cảm thấy sự kỳ thị tại nơi làm việc của cô. Khi cô đeo khẩu trang, đồng nghiệp của cô không ai đeo cả. Vài người còn hỏi cô có bị ốm không.
“Tại sao họ lại có suy nghĩ đó? Tôi đeo khẩu trang vì nghĩ tôi có trách nhiệm, bởi nếu tôi bị bệnh mà không đeo khẩu trang thì tôi có thể vô ý lây bệnh sang những người xung quanh, vì thế đeo khẩu trang vừa giúp tôi vừa giúp những người khác”, Cheryl Man nói.
Đó chính xác là những gì các chuyên gia y tế ở Hong Kong (Trung Quốc), nơi Cheryl Man sinh ra, đã khuyên người dân. Gần như tất cả mọi người trên đường phố Hong Kong, xe lửa và xe buýt đã đeo khẩu trang trong nhiều tuần kể từ khi có tin tức về bệnh viêm phổi ở Vũ Hán (Trung Quốc đại lục), sau đó được xác định và đặt tên là Covid -19. Chính quyền và các chuyên gia y tế hàng đầu cũng khuyên nên đeo khẩu trang như một cách giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus corona, mà hôm thứ Tư vừa rồi WHO phải tuyên bố là đại dịch toàn cầu.
Nhân viên văn phòng đeo khẩu trang khi đi ăn trưa ở Hong Kong, ngày 2/3/2020. Bloomberg/Getty Images. |
Tuy nhiên, ở Mỹ, đeo khẩu trang khi khỏe mạnh lại là điều không thể chấp nhận. Chính phủ Mỹ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, chỉ nói rằng những người bị bệnh hoặc người chăm sóc bệnh nhân mới nên đeo khẩu trang.
Một tweet từ Tổng hội bác sĩ phẫu thuật đưa ra thông điệp dừng mua khẩu trang vì chúng không hiệu quả trong việc ngăn lây nhiễm virus corona, chỉ có nhân viên y tế và người chăm bệnh mới nên đeo để đảm bảo an toàn cho họ và cộng đồng. |
Hai trường phái tư tưởng?
Khi Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, rõ ràng có hai trường phái tư tưởng liên quan đến khẩu trang cho công chúng.
Một mặt là quan điểm được chia sẻ bởi Tiến sĩ William Schaffner, Giáo sư tại Khoa Truyền nhiễm của Đại học Vanderbilt, cho rằng khẩu trang y tế được người dân đeo không vừa khít quanh mũi, má và cằm, nên cũng không có tác dụng gì nhiều. Ông này khuyến nghị là mọi người không nên đeo khẩu trang, mà nên giành cho nhân viên y tế để ưu tiên sử dụng trong môi trường chăm sóc sức khỏe, thay vì dùng phổ thông trong cộng đồng.
Một người đàn ông đeo khẩu trang y tế trên tàu điện ngầm ở thành phố New York, ngày 11/3/2020. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, David Hui, một chuyên gia về hô hấp tại Đại học HongKong, người đã nghiên cứu về sự bùng phát của hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từ 2002 đến 2003, nói rằng thông thường đeo khẩu trang sẽ bảo vệ người dân chống lại các bệnh truyền nhiễm như COVID -19.
“Nếu bạn đang đứng trước một người bị bệnh, khẩu trang sẽ mang lại sự bảo vệ”, Hui nói, “Khẩu trang ngăn cản các giọt bắn – là cách mà virus lây lan”.
Ông cũng nói rằng khẩu trang có vai trò đặc biệt trong phòng chống dịch bệnh. Bệnh nhân mắc COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng, và một số nhà nghiên cứu tin rằng nó cũng có thể lây truyền khi bệnh nhân không có triệu chứng, có nghĩa là bệnh nhân có thể truyền nhiễm mà không biết họ bị bệnh.
Chuẩn mực văn hóa khác nhau
Ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, đeo khẩu trang là một hình ảnh bình thường phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, vì nhiều lý do. Có những người bị bệnh và đeo khẩu trang để bảo vệ những người xung quanh. Nhưng cũng có nhiều người đeo khẩu trang trong mùa lạnh và cúm để bảo vệ bản thân.
Ở Nhật Bản, mọi người sẵn sàng đeo khẩu trang vì những lý do phi y tế, từ việc muốn che giấu đôi môi sưng hay mũi đỏ trong mùa dị ứng, để giữ ấm trong mùa đông... Mitsutoshi Horii là Giáo sư xã hội học tại Đại học Shumei của Nhật Bản, thường xuyên làm việc tại Vương quốc Anh. Ông cho biết khẩu trang ở Nhật Bản có khẩu trang vải in hoa văn, được thiết kế phong cách. Những chiếc khẩu trang như thế rất được ưa thích và đã được xuất khẩu ra các nước khác.
“Sự khác biệt trong quan niệm về khẩu trang một phần là do các chuẩn mực văn hóa về việc che mặt” – ông nói – “Trong xã hội phương Tây, bạn cần thể hiện sắc thái trên khuôn mặt và giao tiếp bằng mắt. Biểu cảm khuôn mặt rất quan trọng.”
Kể cả ở trường đại học Anh quốc mà Horii giảng dạy, nhà trường cũng khuyên không nên đeo khẩu trang khi giảng dạy tại các trường học địa phương. “Nếu giáo viên đeo khẩu trang, học trò có thể sợ hãi” – ông nói.
Cái bóng của SARS 17 năm trước cũng giúp giải thích sự phổ biến của khẩu trang ở châu Á, đặc biệt là ở Hong Kong. Có lẽ không nơi nào trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề như HongKong, nơi gần 300 người chết vì, chiếm hơn một phần ba số ca tử vong do SARS trên toàn thế giới.
Thông báo của một cửa hàng: Hết nước rửa tay, khẩu trang, cồn sát khuẩn. |
SARS đã gây nên cú sốc, hình thành một thói quen ở đây. Mặc dù thế hệ trẻ không nhớ SARS, nhưng cha mẹ và ông bà họ - những người đã trải qua nỗi sợ hãi về bệnh truyền nhiễm – đã tác động sâu sắc vào thói quen sinh hoạt thường ngày của họ.
Những áp lực xã hội khi đeo và không đeo khẩu trang
Cheryl Man và những người khác phát hiện ra rằng, ở phương Tây việc đeo khẩu trang có thể thu hút sự chú ý không mong muốn, và thậm chí khiến họ trở thành mục tiêu. Ngay cả khi các trường hợp COVID-19 ở Mỹ đã tăng lên hơn 1.300, Man nói khoảng một phần tư bạn bè của cô đến từ Hong Kong, Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc sẽ không đeo khẩu trang vì lo ngại về phân biệt chủng tộc và bài ngoại.
Và trong khi hầu hết mọi người ở HongKong đều đeo khẩu trang kín mặt, thì có những người ngoài cuộc. Andy Chan, 29 tuổi, cho biết, anh nghĩ rằng việc đeo khẩu trang toàn thành phố đang gây ra sự hoảng loạn không cần thiết.
“Người ta nhìn tôi buồn cười vì tôi không đeo khẩu trang" - Chan nói – “Nhưng tôi nghĩ mọi người đang sợ hãi quá mức, đang được dẫn dắt bởi cảm xúc, không phải khoa học.”
Tuy nhiên, Charlotte Ho, một bà nội trợ ở Hồng Kông, đại diện cho quan điểm của đa số, nói rằng bà thậm chí sẽ không ra khỏi tòa nhà để mua đồ tạp hóa mà không có khẩu trang. “Khẩu trang đảm bảo cho những thứ không mong muốn không thể chạm được vào mũi và miệng tôi. Thậm chí tôi còn tránh xa những người không đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn cho mình", bà nói.
Khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam về đeo khẩu trang y tế và khẩu trang vải một cách phù hợp. |
Ở Việt Nam, cơ quan y tế và các cơ quan hữu trách luôn có những khuyến cáo cho người dân về việc đeo khẩu trang một cách phù hợp. Không phải đến khi dịch bệnh bùng phát, mà người dân còn được khuyến khích mang khẩu trang để phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe khi thời tiết xấu, không khí ô nhiễm... Ngay trong ngày 13/3, Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn khuyến cáo người dân, du khách đeo khẩu trang tại các sân bay, ga tàu, bến xe và khi di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng để phòng bệnh COVID-19.