Theo hồ sơ vụ án, khoảng 21h40, ngày 10/3/2015, Nguyễn Gia Hải điều khiển xe ô tô mang BKS 75C – 031.99 kéo Rơ-mooc 75R 001.85 (chủ sở hữu phương tiện là Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm) chở đá dăm từ huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) vào tập kết tại bãi đá thuộc địa phận thôn Thượng Xá (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).
Khi điều khiển xe chạy gần đến đoạn đường ngang giao nhau giữa đường bộ và đường sắt tại Km 639+750, Hải bật đèn tín hiệu xi nhan bên phải của xe để vào đường ngang, lúc này đoàn tàu SE5 đầu máy D19E968 kéo theo 14 toa xe chạy theo hướng Bắc – Nam, do anh Lê Minh Phú lái chính và anh Hồ Ngọc Hải phụ lái. Khi phát hiện ô tô do Nguyễn Gia Hải điều khiển đang rẽ vào đường ngang nên lái tàu kéo còi báo hiệu, lúc đó thiết bị đèn và chuông tín hiệu đường ngang cảnh báo tự động đang hoạt động báo sắp có tàu đến, nhưng Nguyễn Gia Hải không chú ý quan sát cho xe dừng lại mà vẫn tiếp tục cho xe chạy vào đường ngang. Khi xe chạy chưa qua hết đường ray thì đoàn tàu chạy đến đâm vào nhau.
Bị cáo Hải được đưa đến phiên tòa trên xe lăn |
Hậu quả, anh Lê Minh Phú chết do đa chấn thương, anh Hồ Ngọc Hải bị thương nhẹ, Nguyễn Gia Hải bị thương nặng (chấn thương cột sống thắt lưng, liệt 2 chi dưới… với tỷ lệ thương tật 87%), đầu tàu và 3 toa văng khỏi đường ray, hệ thống cảnh báo tự động, đoạn đường ray 603+750 và hàng rào hộ lan bị hư hỏng, xe ô tô do Hải điều khiển đứt đôi…, đường sắt Bắc – Nam tê liệt 1 ngày đêm.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tổng thiệt hại do vụ tai nạn gây ra gần 5 tỉ đồng.
Để có thể tham gia phiên tòa, Nguyễn Gia Hải được gia đình thuê ô tô chở từ Huế ra, sau đó di chuyển trên chiếc xe lăn. Trong suốt phiên tòa liên tục có người thân đứng gần cạnh hỗ trợ, chăm sóc, chính vì thế mà bị cáo được Chủ tọa phiên tòa – Thẩm phán Võ Ngọc Mậu cho phép ngồi hoặc nằm trả lời nếu mệt.
Khi được hỏi “Bản thân nhận thức được đây là nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây ra thiệt hại về người và tài sản, vậy tại sao khi có tín hiệu tàu sắp đến bị cáo vẫn cố tình điều khiển phương tiện vận tải băng qua đường ray?”, Nguyễn Gia Hải khóc cho hay “lúc đó vì tránh một xe máy nên không kịp quan sát vì vậy bị cáo băng ngang đường sắt mà không biết”.
Bà Trần Thị Quỳnh Hoa, đại diện cho bị hại yêu cầu bị cáo có trách nhiệm cấp dưỡng cho một con bị hại (hiện 16 tuổi) đến khi trưởng thành.
Sau khi căn cứ vào hành vi phạm tội, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Gia Hải 7 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Về trách nhiệm dân sự, thời điểm xảy ra tai nạn, bị cáo Hải lái thuê cho ông Đặng Văn Vĩnh (SN 1983, trú tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Chiếc ô tô gặp nạn được ông Vĩnh thuê của doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm. Theo quy định, HĐXX buộc ông Vĩnh bồi thường 4.956.377.942 đồng cho Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, 700 triệu đồng hư hỏng ô tô cho doanh nghiệp Tuyết Liêm, đồng thời bồi thường thêm cho bị hại 20 triệu đồng tiền cấp dưỡng đến khi đủ 18 tuổi ngoài số tiền 124 triệu đồng đã bồi thường trước đó.