Tạm dừng, hoãn các cuộc kiểm tra sau thông quan trong kế hoạch năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo Cục Kiểm tra sau thông quan và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tạm dừng, hoãn các cuộc kiểm tra sau thông quan đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2021, toàn ngành Hải quan đã thực hiện 422 cuộc kiểm tra sau thông quan, trong đó có 110 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 312 cuộc tại trụ sở Cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 58,79 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền là 93,69 tỷ đồng.

Tính chung 3 quý đầu năm thực hiện 1.307 cuộc kiểm tra, trong đó có 341 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 966 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 545,30 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền là 491,78 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19, thực hiện Thông báo số 616/TB-BTC ngày 11/9/2021 của Bộ Tài chính về việc phân công triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, ngày 11/10/2021 vừa qua Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 4797/TCHQ-KTSTQ về việc thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục KTSTQ và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tạm dừng, hoãn các cuộc KTSTQ đã có trong kế hoạch năm 2021 (bao gồm KTSTQ đánh giá tuân thủ và KTSTQ theo dấu hiệu rủi ro); tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải thực hiện công tác KTSTQ, đơn vị đề xuất kiểm tra phải nêu rõ dấu hiệu vi phạm và được sự phê duyệt của cấp lãnh đạo có thẩm quyền. Trong quá trình tiến hành kiểm tra, Đoàn kiểm tra phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Nghiêm cấm cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ.

Trong thời điểm này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung, tăng cường hoạt động nghiên cứu các quy định pháp luật; đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin để phát hiện dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro, chuẩn bị kỹ kế hoạch kiểm tra khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp trong quý III đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Tổng cục Hải quan liên tục có các văn bản chỉ đạo Hải quan các địa phương có giải pháp tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong tình hình dịch bệnh bùng phát.

Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách tạo thuận lợi thương mại đặc biệt là các chính sách đặc thù giải quyết vướng mắc trong quá trình nhập khẩu hàng hóa phục vụ phòng chống dịch.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các cục hải quan địa phương thực hiện một số giải pháp, phương án nhằm giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi, song vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu gian lận thương mại và phòng chống dịch bệnh.

Đọc thêm