Khoảng trống tư vấn tâm lý học đường
Tư vấn tâm lý học đường đang trở thành một hoạt động thiết yếu khi học sinh ngày càng đối mặt với áp lực học tập gia tăng. Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, để công tác này thực sự hiệu quả, việc đầu tư và chuyên nghiệp hóa là điều không thể thiếu.
Trong những năm gần đây, học sinh ở nhiều trường phổ thông đã phải chịu áp lực từ nhiều phía. Sau các kỳ nghỉ lễ, các em thường ngay lập tức phải trở lại với guồng quay học tập căng thẳng để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Thậm chí, học sinh nhỏ tuổi như lớp 1, lớp 2 cũng phải đối diện với khối lượng bài tập lớn, dẫn đến cảm giác “ngộp thở” và mệt mỏi.
Bên cạnh đó, vấn nạn bạo lực học đường, từ bắt nạt thể xác đến bạo lực tinh thần, bắt nạt trên mạng, đã khiến nhiều em rơi vào trạng thái lo âu và căng thẳng. Đáng tiếc là đa số các em thiếu kỹ năng ứng phó và không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ gia đình hay trường học.
Các hành vi như bắt nạt, cô lập, hay bôi nhọ trên mạng xã hội khiến nhiều học sinh trở nên tự ti, lo lắng và trong một số trường hợp dẫn đến những hành vi tiêu cực. Nhiều học sinh chia sẻ rằng, khi gặp khó khăn, các em mong muốn có một nơi an toàn để bày tỏ và được hướng dẫn, nhưng hệ thống tư vấn tâm lý tại nhiều trường vẫn còn nhiều hạn chế. Những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, số lượng học sinh gặp vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm đang tăng cao.
Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân khiến công tác tư vấn tâm lý học đường chưa phát huy hiệu quả là do thiếu đội ngũ chuyên trách và cơ sở vật chất. Đa phần các trường hiện nay phải bố trí giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế, hoặc cán bộ đoàn đảm nhiệm công tác tư vấn, trong khi họ không được đào tạo sâu về lĩnh vực này. PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý giáo dục đã từng phân tích rằng việc các giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn là không đảm bảo tính độc lập trong quan hệ với học sinh, làm giảm hiệu quả hỗ trợ.
Điều đáng mừng là dù gặp khó khăn, một số trường học vẫn nỗ lực triển khai các giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ tâm lý học sinh. Trường THCS Dịch Vọng tại Hà Nội đã thành lập phòng tư vấn tâm lý và xây dựng nhóm “học sinh yêu tâm lý” để hỗ trợ các bạn gặp vấn đề. Tuy nhiên, với số lượng học sinh lớn và nguồn lực hạn chế, nhiều trường công lập vẫn chưa thể thực hiện công tác này một cách bài bản.
Các trường học hiện nay mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan, bao gồm việc đầu tư vào nguồn lực nhân sự và tài chính cho hoạt động này. Chỉ khi có sự hỗ trợ toàn diện, công tác tư vấn tâm lý học đường mới có thể phát huy hết vai trò của mình trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần và khả năng đối phó với áp lực của học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện đại.
Tư vấn tâm lý học đường là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng môi trường học tập lành mạnh và bền vững, giúp học sinh phát triển không chỉ về tri thức mà còn về tinh thần. Việc đầu tư vào công tác này không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội trong việc chăm sóc và bảo vệ thế hệ trẻ.
Nhìn nhận tâm lý học đường là một phần của giáo dục
Ở nhiều nước trên thế giới, tâm lý học đường đã được nhìn nhận như một phần thiết yếu trong hệ thống giáo dục nhằm đảm bảo sức khỏe tinh thần cho học sinh. Không chỉ là vấn đề cá nhân, tâm lý học đường còn ảnh hưởng đến chất lượng học tập, mối quan hệ bạn bè và sự phát triển lành mạnh của cả xã hội.
Ở Nhật Bản, các trường học đều có một hệ thống cố vấn tâm lý để giúp đỡ học sinh vượt qua những khó khăn cá nhân. Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư mạnh vào việc tuyển dụng các chuyên gia tâm lý cho trường học sau khi nhận thấy sự gia tăng của các trường hợp tự tử trong thanh, thiếu niên. Các chuyên gia này không chỉ tư vấn mà còn xây dựng các chương trình học về sức khỏe tâm lý nhằm giúp học sinh tự bảo vệ và hiểu rõ về chính mình.
Tại Hàn Quốc, sau những vụ việc liên quan đến trầm cảm và tự tử trong học sinh, Bộ Giáo dục đã triển khai hệ thống cảnh báo và tư vấn tâm lý toàn quốc. Mỗi học sinh tại Hàn Quốc được yêu cầu tham gia các buổi tư vấn tâm lý ít nhất một lần trong học kỳ để đảm bảo sức khỏe tinh thần.
Phần Lan cũng nổi tiếng với hệ thống giáo dục linh hoạt, ưu tiên phát triển cá nhân của mỗi học sinh. Việc giảm bớt áp lực điểm số, không tổ chức các kỳ thi quá nhiều, khuyến khích học sinh tìm hiểu những gì mình yêu thích đã góp phần làm giảm áp lực học đường.
Tâm lý học đường là một phần thiết yếu trong hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia. (Ảnh minh hoạ) |
Gần đây nhất, tại Hoa Kỳ, sự kiện gây “bão dư luận” gần đây là Trường Ethical Culture Fieldston ở Bronx (Thành phố New York) cho biết sẽ hỗ trợ tâm lý cho học sinh sau cuộc bầu cử, không giao bài tập về nhà vào ngày bầu cử và cho phép nghỉ học vào ngày sau đó. Đáng nói, quyết định này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Một số người cho rằng nhà trường đang “nuông chiều” trẻ em, khiến chúng trở nên “yếu đuối” và không “sẵn sàng cho thế giới thực”. Cả người nổi tiếng như Jerry Seinfeld cũng bày tỏ thất vọng vì cách tiếp cận mà ông cho là khuyến khích sự “nhu nhược”. Nghị sĩ Ritchie Torres từ New York cảnh báo rằng những phương pháp này có thể khiến trẻ “dễ tổn thương”.
Tuy nhiên, từ góc độ tâm lý, Tiến sĩ Tamar Chansky, chuyên gia tâm lý người Mỹ với nhiều kinh nghiệm trong điều trị và phòng ngừa lo âu ở trẻ em, chia sẻ quan điểm khác biệt. Bà cho rằng việc tạo không gian để trẻ có thể nói về những điều khó khăn sẽ giúp xây dựng khả năng phục hồi của chúng. Phản ứng tiêu cực của công chúng đối với quyết định này là một vấn đề lớn hơn so với chính quyết định của nhà trường.
Theo bà, khi xây dựng khả năng phục hồi cho trẻ, cần hiểu rằng việc cho trẻ không gian cảm xúc không phải là vấn đề, mà chính là giải pháp. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng mức độ căng thẳng cao khiến con người rơi vào trạng thái sinh tồn “chiến đấu hoặc bỏ chạy”, điều này cản trở khả năng xử lý cảm xúc. Việc linh hoạt và tạo không gian thích hợp sẽ giúp trẻ bình tĩnh, xử lý cảm xúc và học cách đối diện khi mọi việc không như ý. Điều này không làm trẻ “yếu đuối” mà ngược lại, giúp chúng tự tin đối mặt với các thử thách trong tương lai.
Tiến sĩ Chansky nhấn mạnh rằng, người lớn không nên quyết định cảm xúc của trẻ có đáng kể hay không. Trẻ em ngày nay phải đối diện với luồng thông tin liên tục từ mạng xã hội, một điều mà người lớn thời trước chưa từng trải qua. Nhiệm vụ của người lớn là lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của trẻ và giúp chúng xử lý chứ không phán xét. Mặt khác, trẻ cần được học cách xử lý cảm xúc của mình. Đây không phải là kỹ năng tự nhiên, mà cần được rèn luyện, đó là trách nhiệm của người lớn, như cha mẹ, giáo viên và những người xung quanh.
Hiện nay, khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong thanh, thiếu niên đang ở mức báo động. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, có tới 15% thanh, thiếu niên bị chẩn đoán lo âu và gần 10% bị trầm cảm. Chúng ta cần dạy trẻ cách xử lý cảm xúc, thay vì làm chúng cảm thấy tệ khi có những cảm xúc đó.
Khả năng kiên cường không đến từ việc phục hồi nhanh chóng hay phớt lờ khó khăn, mà từ việc chấp nhận thực tế, học cách đối diện và tìm cách thích nghi. Nhà nghiên cứu Christina Bethell nhận thấy rằng trẻ có thể đối mặt tốt hơn khi có không gian để trò chuyện về những vấn đề khó khăn, đặc biệt là những vấn đề không có lời giải đơn giản.
Trẻ có cha mẹ lắng nghe, đồng hành sẽ học được cách xử lý cảm xúc lành mạnh, phát triển khả năng kiểm soát cảm xúc và hiểu được cách đối diện với những tình huống không rõ ràng. Để giúp trẻ xử lý cảm xúc, tiến sĩ Chansky gợi ý một số phương pháp, như bình thường hóa các cảm xúc tiêu cực, khuyến khích trẻ gọi tên cảm xúc của mình để dễ kiểm soát chúng, khuyến khích trẻ duy trì các giá trị và niềm tin của mình, tranh luận nhưng không công kích cá nhân.
“Không phải trường nào cũng có “ngày sức khỏe tâm thần” để trẻ nghỉ ngơi, thay vì chỉ trích những trường đã cố gắng hỗ trợ học sinh, chúng ta nên trở thành những người lớn tốt hơn cho trẻ”, Tiến sĩ Tamar Chansky khẳng định.