Tám nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sáng 1/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tham vấn về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.
Hội nghị tham vấn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 diễn ra tại Bộ Kế hoạch đầu tư ngày 01/10/2021.
Hội nghị tham vấn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 diễn ra tại Bộ Kế hoạch đầu tư ngày 01/10/2021.

Chính sách hỗ trợ chủ yếu trong ngắn hạn, thiếu tính tổng thể

Tại Hội nghị Tham vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng đồng thời cũng mang lại những bài học kinh nghiệm, cơ hội và tương lai mới cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tác động của dịch bệnh tạo ra thay đổi về kinh tế-xã hội, giúp chúng ta nhận ra những khiếm khuyết, điểm yếu trong hệ thống, hạn chế của nền kinh tế. Quan trọng hơn, đây là cơ hội để chúng ta kịp điều chỉnh cho một tương lai “hậu COVID-19”.

Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để không “lỡ nhịp” khi bước vào trạng thái bình thường mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Thời gian qua, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp... Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tính tất cả các khoản hỗ trợ, bao gồm cả các kênh khác như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện nước, học phí… thì tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch trong năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các giải pháp thời gian qua của nước ta chủ yếu giải quyết khó khăn ngắn hạn và các vấn đề về tài chính, vẫn thiếu tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ để phục hồi kinh tế gắn với cải cách, cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Dự thảo Chương trình phục hồi kinh tế gắn với năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Thách thức đặt ra từ nay đến cuối năm và năm 2022 là rất lớn. Trước tình hình đó, với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu 5 năm đã đề ra, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, Chương trình hướng tới mục tiêu tạo nền tảng hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi; đồng thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực bền vững, hạn chế ảnh hưởng đến các mục tiêu, tầm nhìn dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, để thực hiện được các mục tiêu trên, Chương trình cần đưa ra các giải pháp cụ thể gắn với nguồn lực, phù hợp với năng lực của nền kinh tế, khả năng cân đối ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, cũng cần xác định đối tượng ưu tiên, hỗ trợ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, trợ giúp trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Song song với đó, cần sẵn sàng các giải pháp y tế để thích ứng chủ động, linh hoạt, an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới.

“Chính sách phải tổng thể, bao quát, trong đó vừa tác động đến phía cung để giảm chi phí sản xuất, vừa kích cầu để tạo đầu ra cho sản phẩm và các khâu kết nối, lưu thông sản xuất. Thời gian thực hiện Chương trình cần đủ dài để triển khai các giải pháp phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân của giai đoạn 2012-2025 là từ 6,5% đến 7%”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Dự kiến, kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác, trong đó có các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ công đoàn. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về tài chính, tín dụng, đào tạo lao động, đầu tư phát triển... được huy động từ các nguồn của doanh nghiệp, vốn hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, Quỹ dự trữ ngoại hối, hợp tác công-tư và các nguồn hợp pháp khác.

Cần nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái "bình thường mới".

Cần nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái "bình thường mới".

Đề xuất 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2022-2023, Việt Nam cần thực hiện 8 giải pháp quan trọng:

Thứ nhất, cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19”.

Thứ hai, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát; Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất; tiết kiệm chi thường xuyên.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thứ tư, phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường...

Thứ năm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng; tài chính (miễn, giảm thuế, phí); sản xuất; phát triển chuỗi cung ứng bền vững; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thứ sáu, phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến nguồn vốn đầu tư công trong 2 năm 2022-2023 khoảng 1,2 triệu tỉ đồng.

Thứ bảy, phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.

Cuối cùng, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm