Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về thu hút đầu tư 8 tháng của năm 2016, Hàn Quốc chiếm vị trí dẫn đầu với số vốn khoảng hơn 4 tỷ USD, nâng tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam lên gần 49 tỷ USD.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đang “vấp” phải sự ganh đua của các nơi có ưu đãi lớn về thuế như một số nước, vùng lãnh thổ là British Virgin Islands, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Cayman, Bermuda, Panama, Jersey, Luxembourg, New Zealand, Bahamas, Panama, tiểu bang Delaware (Mỹ), Thụy Sỹ, Ireland….
Theo đó, Singapore đã vươn lên đứng trước Nhật Bản và đứng sau Hàn Quốc với mức đầu tư 1,4 tỷ USD và là chủ của 152 dự án; Hồng Kông tăng 40 % mức đầu tư trong năm nay và đứng thứ 5 về các quốc gia, lãnh thổ đầu tư lớn ở Việt Nam. Đặc biệt, sự xuất hiện của “thiên đường thuế” British Virgin Islands với mức đầu tư 447 triệu USD, nâng mức đầu tư của quốc đảo này tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại là 19,4 tỷ USD… Các nhà đầu tư quan tâm đến những lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản, khoa học, công nghệ.
Không chỉ đầu tư trực tiếp, từ 1/7/2015 đến nay đã có khoảng 3.141 doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với giá trị khoảng 2,9 tỷ USD. Lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, vận tải hàng không… thu hút nhất và Singapore là quốc gia dẫn đầu về lượng vốn góp.
Trong 8 tháng của năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với 30 dự án cấp mới và 21 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,02 tỷ USD. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,782 tỷ USD, chiếm 12,4%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,59 tỷ USD và 1,38 tỷ USD.
Nhiều dự án đầu tư “cực lớn” xuất hiện trong 8 tháng đầu năm nay như: Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng... Dự án Thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, đã có 208 dự án cấp mới từ các nước khu vực ASEAN vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,23 tỷ USD và 99 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 536,7 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng năm 2016, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nước ASEAN vào Việt Nam là 2,768 tỷ USD, chiếm 19,27% tổng vốn đầu tư của tất cả các đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng.
Trong các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2016, Singapore là nước dẫn đầu với 127 dự án cấp mới và 59 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,675 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam.
(Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư)