Cơ cấu thu ngân sách của ngành Thuế ngày càng bền vững
Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, thu NSNN do cơ quan thuế quản lý hàng năm (không bao gồm thu từ thoái vốn) 05 năm giai đoạn 2016-2020 đạt 5.658.112 tỷ đồng, vượt 7,1% dự toán; tăng trưởng số thu bình quân đạt 9,7%/năm, tăng gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn báo cáo tại hội nghị. |
Trong đó, kết quả thu hàng năm đều hoàn thành vượt mức dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ (Năm 2016 đạt 896.977 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ; Năm 2017 đạt 1.028.775 tỷ đồng, vượt 6,2% dự toán, tăng 14,7%; Năm 2018 đạt 1.156.175 tỷ đồng, vượt 8% dự toán, tăng 12,4%; Năm 2019 đạt 1.280.541 tỷ đồng, vượt 9,6% dự toán, tăng 10,8%; Năm 2020 đạt 1.295.645 tỷ đồng, vượt 2,2% dự toán, tăng 1,2%).
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn khẳng định, cơ cấu thu của ngành Thuế ngày càng bền vững hơn, với việc tỷ trọng thu nội địa ngày càng tăng trong tổng thu NSNN (bình quân 05 năm giai đoạn 2011-2015 chiếm 67,5% tổng thu NSNN, đến năm 2020 chiếm khoảng 85,6% - mục tiêu đề ra là 84-85%). Trong khi đó, thu dầu thô chiếm tỷ trọng ngày càng giảm, từ mức 12,9% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn 3,6% bình quân giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân 05 năm giai đoạn 2016-2020 đạt 25,2% GDP (mục tiêu 23,5%GDP), trong đó huy động từ thuế, phí xấp xỉ đạt mục tiêu đề ra là 21% GDP.
Tập trung mọi gải pháp hoàn thành nhiệm vụ
Ghi nhận những kết quả quan trong công tác quản lý thu NSNN trong thời gian qua,, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lưu ý trong thời gian tới ngành Thuế cần tập trung để hoàn thành dự toán. “Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất!” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, tập trung xây dựng hoàn thiện pháp luật thuế tăng cường quản lý đối tượng chống thất thu, đặc biệt các lĩnh vực tiềm năng như giao dịch điện tử, giao dịch xuyên biên giới, bất động sản, chuyển giá, giao dịch liên kết.
Các cục thuế cần liên thông với văn phòng đăng ký đất đai; phối hợp với các ngân hàng chống rửa tiền; kết nối dữ liệu dân cư để tăng cường tuyên truyền, giải quyết khiếu nại cho người nộp thuế... Đối với lĩnh vực tư vấn thuế, cần rà soát, tổng kết đánh giá hiệu quả của đại lý thuế. Trong đó, cần tổ chức tập huấn và tổ chức quản lý đúng quy định.
Đối với công tác quản lý thu NSNN, Bộ trưởng đề nghị ngành Thuế cần tăng cường triển khai vụ thuế điện tử; mở rộng đối tượng kê khai thuế điện tử; phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định nghĩa vụ tài chính; Cần xây dựng dữ liệu lớn về người nộp thuế và áp dụng trí tuệ nhân tạo trong kiểm soát thu và xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử qua đó kịp thời xác định xử lý các hóa đơn không đúng đề kịp thời xử lý các vấn đề sai phạm.
Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng nghị định, thông tư triển khai hóa đơn điện tử, chủ động triển khai các giải pháp về thuế, phí phù hợp để góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Đối với công tác lưu trữ dữ liệu ngành Thuế, cần tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống máy chủ, đảm bảo máy chủ hoạt động 24/24 và có hệ thống bảo mật và dự phòng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế dựa trên phân tích dữ liệu đánh giá rủi ro; tăng cường năng lực chuyên môn, thanh tra và làm nghiêm những trường hợp sai phạm, vi phạm pháp luật; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế chống trốn thuế, tạo điều kiện thu hút đầu tư…
“Phát huy truyền thống xây dựng và phát triển, tôi mong rằng, các đơn vị trong toàn ngành Tài chính tiếp tục tăng cường kỷ cương, đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi toàn diện, vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho", - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đặc biệt nhấn mạnh.