Bộ trưởng y tế Brazil, đã đột ngột từ chức sau chưa đầy một tháng làm việc - và một ngày sau khi nước này tuyên bố đã ghi nhận gần 14.000 ca tử vong.
Sự từ chức đột ngột của ông Nelson Teich đã được công bố trong một thông điệp WhatsApp ngắn ngủi của Bộ Y tế Brazil vào sáng ngày 15/5. Theo tờ Guardian, việc này có khả năng làm sâu sắc thêm tình trạng hỗn loạn ở Brazil.
Teich là bộ trưởng Y tế thứ hai của Brazil rời nhiệm sở sau chưa đầy một tháng.
Người tiền nhiệm nổi tiếng của ông, Luiz Mandetta, đã bị Tổng thống Jair Bolsonaro sa thải ngày 16/4 sau những bất đồng về các biện pháp cách ly xã hội khi ông Bolsonaro cho là không cần thiết.
Bình luận về tin tức này, Albert Ko - một giáo sư dịch tễ học tại Trường Y Yale - đổ lỗi cho sự thiếu lãnh đạo và quản trị kém.
“Việc để mất 2 bộ trưởng y tế sẽ thực sự ảnh hưởng đến khả năng chống lại dịch bệnh”, ông Ko, người có nhiều kinh nghiệm làm việc ở Brazil, nói.
Trong một tuyên bố ngắn với các phóng viên vào chiều thứ Sáu, ông Teich không giải thích lý do ông rời đi, cũng không trả lời bất kỳ câu hỏi nào.
Khi nhậm chức, Teich ban đầu có vẻ đi theo đường của Tổng thống Bolsonaro, cho rằng việc củng cố nền kinh tế Brazil cũng quan trọng như việc kiểm soát số người chết vì đại dịch.
Nhưng trong những tuần gần đây, Teich ngày càng không đồng ý với Bolsonaro về cách ly xã hội và việc sử dụng thuốc trị sốt rét chloroquine để điều trị virus corona.
Tổng thống Brazil đã nhiệt tình ủng hộ sử dụng thuốc, mặc dù một loạt các nghiên cứu y khoa cho thấy rằng nó không có tác dụng tích cực đối với những người bị Covid-19, và có thể gây ra các biến chứng sức khỏe khác.
Teich đã bày tỏ sự xấu hổ vào hôm 11/5 vừa rồi khi ông phát hiện ra trong một cuộc họp báo rằng tổng thống đã ban hành một nghị định phân loại phòng tập thể dục, thẩm mỹ viện và thợ cắt tóc là các dịch vụ thiết yếu.
Theo Đại học Johns Hopkins, Brazil đã báo cáo 844 trường hợp tử vong mới trong 24 giờ vào tối thứ Năm, đưa tổng số người tử vong lên tới 13.993. Nước này và hiện có 202.918 trường hợp nhiễm bệnh, trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 thứ 6 trên thế giới.