Tấn công khủng bố đặt ra thách thức nghiêm trọng mới

(PLO) - ặc dù nhìn từ bên ngoài, việc xóa bỏ các tổ chức khủng bố quy mô lớn và quan liêu dường như cho thấy tiến triển tích cực trong việc chống khủng bố, nhưng nó lại đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng mới. 
Cảnh sát New York tại hiện trường gần Quảng trường Thời đại hôm 11/12. Ảnh: NY Post
Cảnh sát New York tại hiện trường gần Quảng trường Thời đại hôm 11/12. Ảnh: NY Post

Sáng 11/12, một đối tượng đã âm mưu kích nổ một quả bom hình ống tự chế tại một lối đi bộ ở trạm xe điện ngầm gần Quảng trường Thời đại ở New York. Cảnh sát cho biết đối tượng tình nghi là Akayed Ullah, 27 tuổi, người Bangladesh và sinh sống ở Brooklyn.

Mặc dù chi tiết vụ việc còn nhiều điều cần bàn nhưng bản chất của vụ tấn công này cho thấy một thực trạng “bình thường mới” của chủ nghĩa khủng bố ngày nay. 

Thực trạng “bình thường mới”?

Trên thực tế, vụ tấn công này dường như tương thích với các cảnh báo mới đây mà các chuyên gia chống khủng bố đưa ra trong các tháng qua. Cụ thể, các chuyên gia đã cảnh báo về tính chất “dễ bị tổn thương” của mạng lưới giao thông công cộng trước các vụ tấn công khủng bố và nhiều lần nhấn mạnh rằng các nhóm khủng bố toàn cầu đang chuyển sang dựa vào các “con sói đơn độc” để tiến hành các vụ tấn công độc lập, đặc biệt trong mùa nghỉ lễ.   

Trên thực tế, kẻ tình nghi dường như đã lưu tâm đến lời kêu gọi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) về việc tấn công trong dịp nghỉ lễ. Theo tờ New York Times, tên này được cho là được truyền cảm hứng bởi các vụ tấn công có liên quan tới IS vào các chợ Giáng sinh. 

Thực trạng “bình thường mới” của chủ nghĩa khủng bố hiện đại trước tiên được đánh dấu bởi sự chuyển hướng khỏi các tổ chức khủng bố quy mô lớn và thay vào đó phụ thuộc vào các chiến dịch độc lập. Công bằng mà nói, sự chuyển hướng này là cách phản ứng thực dụng trước các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm xóa bỏ các tổ chức khủng bố lớn như IS. Mặc dù nhìn từ bên ngoài, việc xóa bỏ các tổ chức khủng bố quy mô lớn và quan liêu dường như cho thấy tiến triển tích cực trong việc chống khủng bố, nhưng nó lại đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng mới. 

Các nhóm nhỏ thường dễ dàng nảy sinh hơn và khó khăn hơn trong việc đối phó. Việc giám sát chúng thường không mấy hiệu quả bởi các cá nhân ít có xu hướng liên lạc với trung tâm chỉ huy, trợ giúp về tài chính cũng không cần thiết để dàn xếp một vụ tấn công nhỏ lẻ, và các kẻ khủng bố không cần đòi hỏi huấn luyện chuyên sâu bởi các kiến thức chuyên môn như chế tạo bom “đầy rẫy” trên mạng Internet. 

Tính chất “dễ tổn thương” của Mỹ

Vụ tấn công tại New York lần này cũng như vụ tấn công hồi tháng 10/2017 vừa qua khi một kẻ tình nghi lao xe tải vào khu vực Hạ Manhattan, cho thấy sự thiếu hiệu quả của cách tiếp cận hiện nay của Chính quyền Trump trong vấn đề chống khủng bố. Cụ thể, các kẻ tình nghi trong hai vụ tấn công này không tới từ quốc gia nào trong danh sách cấm đi lại của ông Trump. 

Darrell West, học giả cấp cao tại Viện Brookings nói rằng “vụ nổ tại New York cho thấy Mỹ vẫn dễ bị tổn thương trước các vụ tấn công vào thời điểm khi IS và các mạng lưới khủng bố khác vẫn có ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho các vụ tấn công bởi các đối tượng riêng lẻ trên khắp thế giới”.  Vụ tấn công cũng nêu bật thách thức mà Mỹ đang đối mặt. Theo các chuyên gia, trong 

một xã hội mở, nơi người dân có quyền tự do đi lại mà không bị cảnh sát thẩm tra nếu họ không gây ra vụ việc gì, các cuộc tấn công có thể và sẽ xảy ra. Ông West nói: “Rất khó để ngăn chặn các cá nhân có xu hướng làm hại người khác. Các bạn không thể kiểm soát mọi ngóc ngách của các thành phố lớn và đảm bảo an toàn nơi công cộng”. Wayne White, cựu Phó Giám đốc Văn phòng tình báo Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng hiện có hàng triệu “mục tiêu mềm” cho các vụ tấn công bằng ô tô trên khắp nước Mỹ - như các trung tâm thương mại, các khu mua sắm, nhà thờ, đền thờ, khu kinh doanh và nơi đỗ xe trên đường cao tốc, cũng như các vỉa hè nhiều người qua lại.

Ông nói: “Như chúng ta đã chứng kiến, ngay cả ở New York, vốn được đặt trong tình trạng báo động cao hơn, vẫn tiếp tục có nhiều mục tiêu bị tổn thương”. Ông White nói thêm: “Dù IS gần như bị tiêu diệt, nhưng khả năng khủng bố của nhóm này vẫn có thể gia tăng ở những nơi khác. Vài trăm chiến binh còn sống sót có thể tràn qua các biên giới để thổi bùng chủ nghĩa khủng bố, trong lúc các kẻ truyền giáo của IS vẫn tiếp tục hoạt động tuyên truyền trên mạng từ các địa điểm khác nhau”. 

Sau vụ tấn công 11/9 vào trung tâm thương mại thế giới ở New York năm 2001 khiến 3.000 người thiệt mạng, những kẻ khủng bố đã tập trung hơn vào các thành phố ở châu Âu như London và Paris trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo ông White, điều này có thể thay đổi bởi quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel “có thể kích động thêm các phần tử quá khích tấn công tại đây hoặc khiến những phần tử ở nơi khác có thêm quyết tâm để tới đây”. 

Định hình chính sách chống khủng bố

Chính sách chống khủng bố cần thúc đẩy năng lực thực thi luật pháp trong nước để phát hiện và ứng phó với âm mưu tấn công khủng bố. Trên thực tế, các quan chức cảnh sát địa phương là những người đầu tiên phản ứng trước một vụ việc - chứ không phải quan chức quân đội - và cần phải được huấn luyện và có các nguồn lực đầy đủ để hoạt động hiệu quả. 

Chiến dịch chống khủng bố thành công cũng đòi hỏi việc chia sẻ thông tin hiệu quả. Điều phối viên chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ Nathan Sales cho rằng các vụ tấn công khủng bố ở Barcelona và Nice lẽ ra đã được ngăn chặn bằng cơ chế chia sẻ thông tin lớn hơn. Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin cũng đòi hỏi hệ thống pháp lý hiệu quả. 

Cuối cùng, nhiều chuyên gia thừa nhận rằng các biện pháp quân sự chỉ làm trầm trọng hơn chủ nghĩa khủng bố và giờ đây họ đang chuyển sang các chương trình phi cực đoan hóa để ngăn chặn các kẻ khủng bố hiện hành và tiềm năng áp đặt bạo lực chính trị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định rằng thực trạng “bình thường mới” của chủ nghĩa khủng bố hiện đại sẽ vẫn rất khó khăn để đối phó và ngăn chặn… 

Đọc thêm