Được phổ biến hơn 20 năm trước với mô hình của eBay, nhiều mô hình KTCS khác nhau đã tham gia thị trường, mà mô hình Grab, Uber đã không xa lạ đối với Việt Nam. Như một xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ số, nhiều DN Việt Nam cũng đã phát triển theo mô hình KTCS như: AgriMedia, CTCP Rada, Green Path Vietnam, Dịch vụ Cứu thương 115 Trí Đức, CTCP Abivin Việt Nam, VP9, MVLchain…
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, Việt Nam không phải là ngoại lệ trong quá trình phát triển mô hình kinh doanh mới này. Những lợi ích và rủi ro cho nền kinh tế cũng như cho người tiêu dùng cũng đã xuất hiện. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án mô hình KTCS” (theo Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 của Chính phủ) để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước đối với loại hình KTCS ở Việt Nam để tận dụng được các lợi ích mà nó mang lại, đặc biệt là việc thúc đẩy sử dụng các tiến bộ công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển KTCS và nên coi đó là cơ hội cho chúng ta tận dụng tham gia cuộc các mạng công nghiệp 4.0. “Cần phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để thích nghi với đa dạng các mô hình kinh doanh linh hoạt và phát triển nhanh chóng trong nền kinh tế số…”- bà Tuệ Anh đưa ra lời khuyên.
“Khó để có một công thức chung cho việc áp dụng và triển khai mô hình KTCS, nhưng chúng ta có thể đồng thuận với nhau về những nền tảng cốt lõi cho thành công của nó, đó chính là sự tin tưởng, sẻ chia, kết nối và sáng tạo. Càng tin tưởng, càng sẻ chia, chúng ta càng tạo ra nhiều giá trị, càng phục vụ xã hội tốt hơn… “ - Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ.