Tận dụng nguồn lực từ cán bộ, đảng viên nghỉ hưu trước tuổi - Bài 1: Khi cán bộ, đảng viên xin nghỉ hưu trước tuổi

(PLVN) - Đảng và Nhà nước đã, đang triển khai mạnh mẽ chủ trương tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, giảm bớt sự cồng kềnh, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước. Một trong những hệ quả rõ nét của quá trình này là có nhiều cán bộ, đảng viên xin nghỉ hưu trước tuổi. Điều này không chỉ xuất hiện ở cấp cơ sở mà còn diễn ra ở cả cấp Trung ương, cấp trung gian trong bộ máy hành chính nhà nước.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao quyết định nghỉ hưu trước tuổi cho các công chức lãnh đạo, quản lý các sở, ngành, tháng 2/2025. (Ảnh: danang.gov.vn)

LTS: Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính, nhiều cán bộ, đảng viên có nguyện vọng được nghỉ hưu trước tuổi. Đây không chỉ là giải pháp giúp giảm áp lực biên chế mà còn tạo điều kiện cho sự trẻ hóa, đổi mới đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, không ít cán bộ hưu trí là đội ngũ có kinh nghiệm, bản lĩnh, uy tín, việc tận dụng được nguồn lực này một cách hiệu quả sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, không lãng phí nguồn nhân lực.

Sự hy sinh cần thiết

Với tinh thần “thần tốc”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được tiến hành tích cực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương. Theo thống kê, số lượng cán bộ, đảng viên xin nghỉ hưu trước tuổi thời gian qua có xu hướng gia tăng. Xu hướng này diễn ra không chỉ trong khối cơ quan hành chính mà còn sang cả các đơn vị sự nghiệp công lập, nơi mà áp lực tinh giản biên chế cũng ngày càng lớn.

Một số địa phương đã ghi nhận thực tế nhiều cán bộ, đảng viên xin nghỉ hưu sớm mặc dù vẫn còn thời gian công tác theo quy định. Ngày 16/4, thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk trên báo chí cho biết, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 912 cán bộ, công chức, viên chức (khối nhà nước) cấp huyện và cấp xã đăng ký nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc sau khi nhập tỉnh, kết thúc cấp huyện và sắp xếp xã. Trong đó, có 653 người đăng ký nghỉ hưu trước tuổi và 259 người đăng ký nghỉ thôi việc.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 49 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện đăng ký nguyện vọng chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức cấp tỉnh. Đồng thời, có 1.420 cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng 111 trong cơ quan hành chính cấp huyện đăng ký nguyện vọng chuyển công tác về cơ quan, đơn vị cấp xã. Tính đến ngày 15/4/2025, toàn tỉnh có 214 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã được UBND tỉnh phê duyệt nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc. Trong đó, cấp tỉnh 135 người và cấp huyện 79 người.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã có quyết định phê duyệt đối tượng và kinh phí hỗ trợ với cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo Nghị định 178 của Chính phủ (đợt 1 năm 2025) để sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Theo đó, trong đợt xét duyệt này, có 83 người nghỉ hưu trước tuổi, với tổng số tiền hỗ trợ theo chế độ hơn 90 tỷ đồng; thôi việc 9 người, tổng số tiền hỗ trợ theo chế độ hơn 7 tỷ đồng. Theo danh sách được công bố, người nhận hỗ trợ mức cao nhất hơn 2,5 tỷ đồng; người nhận hỗ trợ thấp nhất hơn 40 triệu đồng. Trong nhóm cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi, có 23 cán bộ thuộc cơ quan Đảng, 60 cán bộ thuộc khối chính quyền.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa qua cũng đã ký quyết định phê duyệt danh sách cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ. Theo quyết định này, tổng cộng 119 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã được phê duyệt nghỉ hưu trước tuổi theo đúng quy định của hai Nghị định này.

Ở Trung ương, ngày 17/1, Ban Bí thư ra Quyết định số 1828-QĐNS/TW chấp thuận: “Đồng chí Trương Quang Hoài Nam, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/2”. Đây là người có hàm Thứ trưởng đầu tiên tự nguyện đề đạt nguyện vọng và được Ban Bí thư chấp thuận cho nghỉ hưu trước tuổi (4 năm 9 tháng) trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước.

Những quyết định “về sớm” này, xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cao và sự thấu hiểu yêu cầu đổi mới của đất nước, xứng đáng được ghi nhận và trân trọng. Việc cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi thể hiện tinh thần lùi lại phía sau vì sự phát triển chung. Họ chủ động tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, năng động, được đào tạo bài bản, có cơ hội cống hiến và khẳng định mình. Đây là sự hy sinh đáng quý, đặt lợi ích chung của đất nước lên trên lợi ích cá nhân, góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, thúc đẩy sự phát triển của bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một số vấn đề đối với bộ máy nhà nước. Một mặt, việc giảm số lượng cán bộ có thể giúp hệ thống vận hành gọn nhẹ, linh hoạt hơn, nhưng mặt khác, nếu thiếu vắng đội ngũ có kinh nghiệm, hiểu biết sâu về cơ chế vận hành, chính sách, pháp luật thì sẽ có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng nhân sự, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính.

Nguyên nhân không chỉ từ tinh giản

Bên cạnh tinh thần trách nhiệm và sự thấu hiểu yêu cầu đổi mới của đất nước, còn một số nguyên nhân dẫn đến thực tế nhiều cán bộ, đảng viên xin nghỉ hưu trước tuổi trong quá trình tinh giản biên chế, sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Những nguyên nhân này có thể đến từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan, phản ánh sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức của bộ máy hành chính nhà nước.

Chính sách tinh giản biên chế của Nhà nước nhằm cắt giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức dư thừa, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Để thực hiện mục tiêu này, các cơ quan, đơn vị buộc phải sắp xếp lại nhân sự, thu hẹp hoặc loại bỏ những vị trí không còn phù hợp. Chính điều này đã tạo ra áp lực lớn đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có tuổi nghề cao nhưng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định thông thường. Khi đối mặt với nguy cơ bị điều chuyển, mất vị trí công tác quen thuộc, nhiều cán bộ, đảng viên đã lựa chọn phương án nghỉ hưu trước tuổi để giữ được những chính sách đãi ngộ hợp lý. Điều này giúp họ tránh được những xáo trộn trong công việc và đời sống, đồng thời bảo đảm một tương lai ổn định hơn.

Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính, đặc biệt là chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính dẫn đến tình trạng dư thừa cán bộ ở nhiều địa phương. Khi các đơn vị hành chính được hợp nhất, số lượng vị trí lãnh đạo bị cắt giảm, nhiều cán bộ không còn giữ được chức vụ như trước. Điều này khiến một số người lựa chọn nghỉ hưu sớm thay vì tiếp tục công tác trong một môi trường mới với ít cơ hội thăng tiến hơn.

Thêm vào đó, bối cảnh cải cách hành chính hiện nay đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ, đảng viên trong việc nâng cao năng lực, thích ứng với công nghệ mới, phương thức quản lý hiện đại. Những cán bộ lớn tuổi đôi khi gặp khó khăn trong việc tiếp cận và làm quen với các công cụ kỹ thuật số, các quy trình làm việc điện tử. Họ cảm thấy áp lực khi phải cạnh tranh với lớp cán bộ trẻ, nhanh nhạy hơn trong việc áp dụng công nghệ vào công tác quản lý và điều hành.

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy nhiều cán bộ, đảng viên nghỉ hưu trước tuổi là chính sách hỗ trợ tương đối hấp dẫn. Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về chế độ nghỉ hưu sớm với mức hỗ trợ nhất định, giúp cán bộ có thể bảo đảm cuộc sống sau khi rời khỏi vị trí công tác, như Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo Nghị định này, nếu như trước đây người nghỉ hưu sớm bị trừ phần trăm (%) lương hưu, thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP sẽ vừa được hưởng lương hưu, vừa được nhận thêm một khoản hỗ trợ. Những khoản hỗ trợ này giúp cán bộ nghỉ hưu trước tuổi có đủ điều kiện tài chính để nghỉ hưu mà không gặp quá nhiều khó khăn.

Hơn nữa, một số cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu trước tuổi vẫn có cơ hội tiếp tục làm việc trong khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ hoặc tham gia vào các hoạt động tư vấn, giảng dạy. Điều này tạo ra động lực để họ chủ động rời khỏi khu vực công, tìm kiếm một môi trường làm việc mới phù hợp hơn với nguyện vọng cá nhân.

Việc nhiều cán bộ, đảng viên nghỉ hưu trước tuổi trong bối cảnh tinh giản biên chế, sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một thực tế đáng chú ý, phản ánh sự thay đổi sâu rộng trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ nhiều yếu tố, bao gồm cả tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh cần thiết, áp lực tinh giản biên chế, thay đổi cơ cấu tổ chức, áp lực đổi mới công việc và những chính sách đãi ngộ khi nghỉ hưu sớm. Xu hướng này mang lại cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách hợp lý để bảo đảm sự vận hành hiệu quả của bộ máy hành chính, đồng thời tận dụng tối đa nguồn lực từ đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm nhằm tránh lãng phí nguồn nhân lực.

Ngày 25/10/2017, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW). Từ cuối tháng 12/2024 đến nay, với tinh thần “trên trước, dưới sau”, “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Đảng ta đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, có thể coi đây là “cuộc cách mạng” tinh giản lần thứ 2 của đất nước sau “cuộc cách mạng” tinh giản lần thứ 1 năm 1989.

(còn nữa)

Đọc thêm