Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Cho biết ngành Nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với 3 chữ “biến” là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững, Bộ trưởng khẳng định, dù thực tiễn đa dạng và thay đổi liên tục, ngành Nông nghiệp vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục “nghịch lý” Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân làm ra lúa gạo vẫn có cuộc sống khó khăn.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, theo niên giám thống kê, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng chúng ta có thể làm khác đi “và thực sự đã khác đi”. “Ở bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày, đây là thời cơ cải thiện thu nhập rất lớn đối với những người nông dân”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để cải thiện thu nhập của người nông dân, ngoài vấn đề giá cả, cần tính toán đến các chi phí.
“Theo tính toán, thời gian qua, do ứng dụng quy trình canh tác, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 đến 25% chi phí đầu vào, giúp gia tăng thu nhập cho người dân”, Bộ trưởng thông tin.
Nêu bật tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương với yêu cầu chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành nghề khác.
“Nếu chúng ta tận dụng tốt quỹ không gian, thời gian đó, chuyển đổi để tạo những nghề nghiệp ở nông thôn thì người nông dân không chỉ hưởng thành quả từ cây lúa, mà có nhiều nguồn thu nhập khác”, Bộ trưởng NN&PTNT gợi mở.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng NN&PTNT, cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, tạo ra nhiều dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau.