Tan nát tình vợ chồng vì ghen, thẩm phán 'khô cổ họng' chia tài sản

(PLO) - Chồng bảo tại vợ ngoại tình nên tình cảm vợ chồng mới tan hoang. Vợ bảo do chồng hay ghen. Vợ đi đâu, làm gì, hễ có đàn ông xuất hiện là anh “nhảy dựng” lên, ghen lồng ghen lộn, ai mà chịu được. 
Hình minh họa

Tại anh hay tại ả?

Sáng sớm, trời se se lạnh. Đứng trên tầng hai TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), gió như càng mạnh hơn, làm cái lạnh thêm thấm hơn vào da thịt. Mặt trời như cũng sợ lạnh, “lười nhác” nằm vùi trong mấy đám mây khiến buổi sáng có vẻ âm u, trầm lặng. 

Người phụ nữ tuổi đã ngoài 40, dáng dong dỏng cao. Chị là bị đơn trong vụ án “ly hôn, nuôi con chung và chia tài sản chung”. Chưa đến giờ xét xử nên người phụ nữ ấy cứ đứng tần ngần ngoài hành lang. Gió sớm thổi ràn rạt trên mấy ngọn cây, đẩy mấy tán lá vươn vào tận hành lang nơi chị đứng. Mái tóc người phụ nữ thẳng tắp, đen mướt, buông lơi sau tấm lưng mảnh mai, giờ có chút lộn xộn bởi ngọn gió cứ vờn quanh không rời. Chị nghiêng đầu ngó vào phòng xét xử. Bên trong, người đàn ông cũng tầm tuổi chị, đang lặng lẽ ngồi một mình. Anh chính là chồng chị, nguyên đơn khởi kiện vụ án.

Cách hành lang mấy dãy phòng là khu vực cầu thang lên xuống. Nơi đó được đặt một dãy ghế dài. Hai cặp vợ chồng già đang ngồi trò chuyện. Những khuôn mặt già nua chi chít nếp nhăn. Trên đôi mắt mờ đục vì trải qua nhiều năm tháng, giờ ẩn ẩn nét buồn. Họ chính là cha mẹ của nguyên đơn, bị đơn, được tòa triệu tập với tư cách là người làm chứng. 

Gần hai mươi năm làm thông gia với nhau, giờ cùng hội họp nơi tòa án, những con người đã đi gần hết cuộc đời mình ấy sao không buồn cho được. Nhưng họ vẫn cố nén lại, hòa hảo trò chuyện. Con cái đứt gánh, tổ ấm xẻ đôi, chẳng cha mẹ nào muốn. Nhưng họ là bậc làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà, nên vẫn ráng níu giữ sợi dây liên hệ giữa hai nhà, để các cháu sau này dù có ở với ai cũng có thể vui vẻ tới lui với ông bà như trước.

Vợ chồng nguyên đơn và bị đơn kết hôn đã được 18 năm ròng. Con trai lớn năm nay đã gần 18 tuổi, con gái nhỏ cũng sắp sửa lên 10. Đi cùng nhau một đoạn đường hôn nhân dài như thế, cả hai vợ chồng đều thừa nhận, thời gian đầu, cuộc sống của họ trôi qua rất hạnh phúc. Sự ấm áp, hạnh phúc ấy, kéo dài suốt 15 năm liền. Cho đến ba năm trước, tổ ấm mới bắt đầu dần dần có vết rạn. Anh bảo tại chị. Chị bảo tại vì anh.

Theo nguyên đơn trình bày trước tòa, vào năm 2015, anh vô tình phát hiện vợ mình có dấu hiệu ngoại tình. Chứng cứ là những tin nhắn mùi mẫn nằm chình ình trong điện thoại của vợ mà chị này chưa kịp xóa. Vì muốn giữ gìn tổ ấm, anh cố nén cơn ghen bốc lên ngập trời, nhún nhường khuyên vợ chấm dứt mối quan hệ với người đàn ông kia. 

Nhưng một năm sau, anh vẫn thấy vợ mình có lúc đi cùng người đàn ông nọ. Hỏi thì vợ nói là đi theo việc cơ quan. Anh không tin, cho rằng chị nói dối. Cho đến năm ngoái, anh bắt gặp chị và người đàn ông kia ở một homestay trong thành phố. Cho rằng vợ phản bội, chà đạp lên tình cảm của mình, người chồng không muốn chung đụng dưới một mái nhà cùng vợ, nên đã dẫn con trai ra ngoài thuê trọ. Vợ chồng chính thức sống ly thân từ đó đến nay, ngót nghét đã gần một năm trời.

Người vợ “cãi”, bảo mình không hề có mối quan hệ bất chính nào. Nguyên nhân mâu thuẫn giữa hai vợ chồng là do chồng chị hay ghen tuông vô cớ, khiến cuộc sống của chị trở nên ngột ngạt, mệt mỏi. Chị bảo, trong công việc, không thể hạn chế các mối quan hệ với người khác phái. Đôi lúc cơ quan yêu cầu đi công tác, chị cũng không thể trốn tránh. Chồng không thấu hiểu, lại cứ ghen bóng ghen gió, gây áp lực cho vợ. Nhưng bị đơn không thể giải thích được vì sao trước đây, chồng mình không có tính ghen tuông, mà chỉ mới ba năm trước mới bột phát.

Chia nhà sao cho hợp tình, hợp lý? 

Cả nguyên đơn và bị đơn đều yêu cầu giải quyết cho họ được ly hôn. Nhưng vấn đề con chung và tài sản chung lại khó để giải quyết nhanh gọn. Người chồng đã dẫn theo con trai, dọn ra ngoài ở riêng. Người vợ sống cùng cô con gái trong căn nhà chung của hai vợ chồng. Người chồng yêu cầu tòa giải quyết, cho anh được nuôi cả hai đứa con, không yêu cầu vợ cấp dưỡng. Trong khi người vợ yêu cầu tòa để chị chăm sóc con gái cho đến khi đứa bé trưởng thành, còn con trai sẽ do người chồng chăm sóc, nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, khúc mắc gay cấn nhất vẫn “nằm” ở “khâu” tài sản, là thửa đất và ngôi nhà tọa lạc trên đó. Thời kỳ mới kết hôn, đôi vợ chồng trẻ không có nơi sinh sống, nên đã ở bên nhà vợ một thời gian dài. Sau đó, bố mẹ chồng cho một thửa đất để vợ chồng trẻ dựng nhà, ra riêng, ổn định cuộc sống.

Sau khi bố mẹ chồng cho đất, đôi vợ chồng trẻ sang tên, rồi đứng tên sở hữu chung. Tiền xây dựng nhà là do hai vợ chồng bỏ ra. Nhà đất trên được tòa định giá gần 1 tỷ đồng. Người vợ yêu cầu được chia đôi tài sản, đồng thời yêu cầu tòa giao quyền sử dụng nhà đất cho mình. Chị sẽ “thối” tiền lại cho chồng.

Trong khi đó, người chồng một mực yêu cầu tòa chia 70% giá trị tài sản cho mình, đồng thời yêu cầu được sử dụng nhà đất. Lý do anh kiên quyết xin nhận sở hữu sử dụng nhà đất trên vì nguồn gốc thửa đất vốn là của bố mẹ anh mua cho hai vợ chồng. Nhà bố mẹ anh đang ở hiện đang nằm trong diện giải tỏa. Nhà nhỏ xíu còn chưa đầy 40 m2, nên em trai anh lấy vợ chẳng thể ở chung trong nhà, đành dẫn theo vợ mới cưới về ở nhà bố mẹ vợ sống nhờ.

Khi kết hôn, anh được bố mẹ mua cho đất, còn cho thêm tiền để xây nhà, nên căn nhà ông bà đang ở đã được họ lập di chúc cho em trai anh. Hiện anh đang cùng con trai ra ngoài ở trọ. Anh muốn được nhận sử dụng nhà đất để sau này đón cha mẹ về ở, đồng thời thờ phụng ông bà, tổ tiên. 

Cả hai vợ chồng, giờ đã sắp là vợ chồng cũ, không ai chịu nhường ai, đều “đe” sẽ theo kiện đến cùng, cấp này không được thì sẽ lên cấp cao hơn, càng khiến cho phiên tòa càng thêm căng thẳng. Dù trước đó, trong các phiên hòa giải, thẩm phán đã “khô nước miếng” cặn kẽ phân tích, hết lời khuyên can, phân giải.

“Độ nóng” trong các phiên hòa giải trước còn diễn ra căng thẳng gấp mấy lần ở phiên tòa hôm ấy. Thẩm phán xử lý vụ án nhận thấy hai bên khó có thể ngồi lại “đàm đạo” để có tiếng nói chung, nên bà đành phải mời riêng từng người đến làm việc. Đầu tiên là mời người chồng đến phân tích. Biết rõ nguồn gốc thửa đất là của cha mẹ anh, nhưng ông bà đã cho vợ chồng. Theo quy định của pháp luật, nhà đất là tài sản chung của vợ chồng. Mặt khác, sau này người vợ còn nuôi 1 đứa con, đứa bé vẫn còn nhỏ, cũng là máu thịt của anh. Thẩm phán khuyên anh nên nghĩ đến cuộc sống của cháu. 

Nguyên đơn khi nghe đến cuộc sống sau này của con gái, có được đảm bảo nhiều hay ít, còn phải dựa vào sự phân chia tài sản giữa cha và mẹ, sự căng thẳng của anh dịu lại. Dù chưa thật hoàn toàn thống nhất phương án chia đôi giá trị tài sản nhưng nguyên đơn không còn quyết liệt yêu cầu chia 7-3 như trước.

Về phía người vợ, thẩm phán làm rõ cho chị hiểu, “lai lịch” thửa đất là của cha mẹ chồng cho. Hiện tại nhà ông bà đang nằm trong diện giải tỏa, nên cần phải giao nhà cho chồng chị sử dụng để có điều kiện đón cha mẹ về ở cùng. Người chồng sẽ “thối” lại 50% giá trị tài sản cho vợ là hợp lý, hợp tình. Người vợ đồng ý. Thẩm phán lại quay vòng lại phía người chồng, tỉ tê để anh này đồng ý với phân chia 5- 5. Không uổng công sức, cuối cùng anh chồng cũng gật đầu.

Dù vậy, khi phiên tòa được mở, đôi vợ chồng trẻ vẫn “trở cờ”, tiếp tục tranh chấp. Bên chị đòi giành nhà, bên anh đòi chia phần lớn. Không ai nhịn ai. Buổi xét xử phải kéo dài đến tận trưa mới đi đến được thống nhất. Anh nhận nhà, tài sản chia đôi, con mỗi người nuôi một đứa. 

Phòng xử có hai cửa ra vào. Đôi vợ chồng trẻ như muốn tránh mặt nhau, tòa vừa tan, mỗi người liền đi ra một cửa. Trưa, nắng hắt vào hành lang, nhưng vẫn cảm thấy lành lạnh. Đứng trên hành lang cao, im lặng có thể nghe được cả tiếng lá vàng rơi lác đác phía dưới sân tòa. Nơi cổng tòa án, đôi vợ chồng giờ đã thành vợ chồng cũ, mỗi người vội vã rẽ về một hướng, hòa vào dòng người tấp nập trên phố. 

Đọc thêm