Tân Tổng thống Donald Trump và thách thức “rối trong, vướng ngoài”

(PLO) - Giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử mà uy tín của lá phiếu đại cử tri suy giảm đáng kể, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có quá nhiều việc phải làm ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, từ nỗ lực hàn gắn những chia rẽ sâu sắc hiện nay của xã hội Mỹ cho đến “giảm chấn” những tác động không mong muốn ở châu Âu…
Cả thế giới đang chờ xem Tổng thống D.Trump trổ tài thao lược với các vấn đề đối nội, đối ngoại vô cùng phức tạp.
Cả thế giới đang chờ xem Tổng thống D.Trump trổ tài thao lược với các vấn đề đối nội, đối ngoại vô cùng phức tạp.

Tháng 6/2016, người dân Anh cũng đã khiến thế giới sửng sốt khi quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) tại cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Chiến thắng của ông Trump đã gây chấn động mạnh bên ngoài biên giới của nước Mỹ, và người ta bắt đầu lo ngại về nguy cơ sẽ có thêm nhiều Brexit, nhiều Trump hơn nữa, đẩy xu thế toàn cầu hóa lâm vào bế tắc. 

Hàn gắn xã hội Mỹ, không dễ!

Ông Trump cùng các cộng sự có quyền “ăn mừng chiến thắng” nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang” bởi trước mắt tân Tổng thống là hàng loạt thách thức, cả đối nội lẫn đối ngoại, đòi hỏi phải nhanh chóng có biện pháp giải quyết. 

Trước hết, nước Mỹ mà ông sẽ lãnh đạo khác hẳn trước đây. Đó là một quốc gia chia rẽ sâu sắc, và bất cứ mâu thuẫn nhỏ nào cũng có thể thổi bùng “ngọn lửa” tranh cãi gây bất ổn xã hội. Ông Trump đã hưởng lợi từ tình trạng chia rẽ của nước Mỹ và giờ đây, ông lại phải hàn gắn nó bằng chính sách đối nội, chính sách đối ngoại và những công cụ hành pháp.

Sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2017 với gánh nặng khổng lồ trên vai, ông Trump sẽ phải thể hiện tinh thần hòa giải, hòa hợp ngay trong diễn văn nhậm chức, chứ không nên nhấn mạnh tới chiến thắng của bản thân. Là người đứng đầu nhánh hành pháp, ông cần phát huy vai trò “cầu nối” giữa người dân và chính quyền với tầm nhìn bao quát nhưng lại sâu sát đến từng nhóm, từng đối tượng. Chắc chắn đây sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.  

Ông Trump có trong tay những giải pháp chính sách để thúc đẩy sự gắn kết của xã hội, ví dụ như tạo công ăn việc làm, cải thiện giáo dục và đào tạo nghề... Tuy nhiên, bất cứ giải pháp nào nếu muốn thành hiện thực cũng cần sự ủng hộ từ cả hai đảng: Cộng hòa và Dân chủ. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của chính trường Mỹ hiện nay, chất keo gắn kết giữa các mảng màu dường như đang ngày càng tan chảy mạnh. Dù đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội nhưng ông Trump khó có được sự hậu thuẫn từ những chính trị gia theo quan điểm bảo thủ truyền thống. 

Siêu cường Mỹ đang “xuống dốc không phanh” và sức mạnh mềm của xứ cờ hoa bị suy yếu nghiêm trọng. Thực tế này phần nào cũng xuất phát từ tình trạng chia rẽ và mất lòng tin trong xã hội Mỹ. Đó là thử thách chẳng dễ vượt qua đối với ông Trump.

EU không dễ chịu

Nhìn ra ngoài, Liên minh Châu Âu (EU) vốn đang phải gồng mình đối phó với việc Anh quyết định rời bỏ liên minh, nay lại  phải “gánh” thêm dư chấn của chiến thắng ngày 8/11 của ông Donald Trump có nguy cơ dẫn đến hàng loạt bất ổn mà khu vực này vẫn chưa chuẩn bị để đương đầu.

Một ngày trước cuộc bầu cử Mỹ, giới lãnh đạo EU đã đề ra một kế hoạch khẩn cấp đề phòng trường hợp ông Trump đắc cử. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao EU nói: “Chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị kỹ cho tình huống này, và bởi vậy, chúng tôi có rất nhiều vấn đề cần tìm giải pháp, mọi thứ vẫn chưa hề rõ ràng”. Nhiều người cho rằng EU cần có trách nhiệm hơn, không chỉ đối với an ninh của khu vực, mà còn của cả thế giới nói chung, nếu tỷ phú bất động sản Donald Trump hiện thực hóa những điều ông từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử về việc hạn chế các cam kết quốc phòng của Mỹ.

EU có thể sẽ phải tự tìm cách đối phó với hàng loạt vấn đề, từ quan hệ thương mại, biến đổi khí hậu, thách thức từ nước Nga, hay cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng… Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders trao đổi với hãng tin Reuters rằng việc ông Trump bước vào Nhà Trắng “có thể giúp một số người ở châu Âu hiểu được rằng chúng ta cần phải củng cố hợp tác quốc phòng tại châu Âu”. 

Giới lãnh đạo EU đều thừa nhận làn sóng cấp tiến hoài nghi sự hội nhập châu Âu, được phản ánh qua chiến thắng của ông Trump và cuộc trưng cầu ý dân tại Anh hồi tháng 6, có thể hủy hoại mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trong khu vực và dẫn đến thất bại cay đắng như của bà Hillary Clinton.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhấn mạnh: “Châu Âu không thể dao động, dù là sau Brexit, hay sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ”. 27 năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ, Mỹ vẫn luôn là nước hỗ trợ EU rất nhiều về mặt quân sự để giúp đảm bảo an ninh và quốc phòng khu vực. Ông nói: “EU phải đoàn kết hơn nữa, phải tích cực và chủ động hơn, dù chỉ là để bảo vệ chính mình”.

Ngoại trưởng các nước EU dự định có cuộc họp đặc biệt vào tối 13/11 để bàn về những tác động của cuộc bầu cử tại Mỹ vừa qua đối với châu Âu. 

Châu Âu “không dễ chịu” và hẳn cũng “chưa thể quen ngay” với hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều đó đặt ra thách thức đối ngoại không nhỏ cho ngài tỷ phú; cộng thêm những chia rẽ trong lòng nước Mỹ, dường như cả thế giới một lần nữa lại hồi hộp chờ xem, Donald Trump sẽ trổ tài thao lược ra làm sao… 

Đọc thêm