Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và 'hành trình' chọn ê-kíp

(PLO) - Vào thời điểm khi lễ nhậm chức sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 2 tuần nữa, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang khẩn trương bổ nhiệm các vị trí cấp cao còn lại trong chính quyền, bắt đầu thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước và quốc tế. 
Ngày Tân Tổng thống Donald Trump bắt đầu chèo lái nước Mỹ đang đến gần
Ngày Tân Tổng thống Donald Trump bắt đầu chèo lái nước Mỹ đang đến gần

Ông Trump đã lựa chọn ông Robert Lighthizer, một cựu quan chức dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan, làm Đại diện thương mại Mỹ. Ông Trump cho rằng, ông Lighthizer - người được cho là sẽ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc - sẽ đại diện “cho nước Mỹ khi chúng ta đàm phán về các thỏa thuận thương mại có lợi để đặt lợi ích các công nhân Mỹ lên trên hết”. Sean Spicer - người phát ngôn Nhà Trắng sắp tới - cho biết các kế hoạch cụ thể của chính quyền mới về việc đàm phán các thỏa thuận thương mại mới “sẽ được đưa ra kịp thời”. 

Nhiều vị trí... còn trống

Hàng trăm vị trí cấp cao trong Nhà Trắng vẫn còn bỏ trống, trong khi chỉ còn một vài vị trí trong nội các chưa được bổ nhiệm, đặc biệt là các vị trí đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Bộ Cựu chiến binh, cũng như Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia. 

Trong số các cuộc họp kín của ông Trump hôm 3/1 có cuộc gặp gỡ với Leo MacKay, Phó Chủ tịch tập đoàn chế tạo vũ khí nổi tiếng Lockheed Martin và từng làm việc tại Bộ Cựu chiến binh dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Ông MacKay cho biết “Tổng thống đắc cử đang theo sát mọi vấn đề” và viện dẫn chương trình “chăm sóc sức khỏe hạng nhất” cho các cựu chiến binh là một trong các ưu tiên của ông. 

Tổng thống đắc cử cũng lựa chọn một gương mặt quen thuộc trong chương trình truyền hình thực tế trước đây của ông để tham gia vào chính quyền mới. Theo hai nguồn tin yêu cầu giấu tên, Omarosa Manigault - một thí sinh từng tham gia chương trình “The Apprentice (Nhân viên tập sự)” mùa đầu tiên - được cho là sẽ tập trung giúp kết nối người dân với Nhà Trắng. Chi tiết về các kế hoạch của ông Trump vẫn chưa được công khai, cả trước và sau chiến thắng bất ngờ của ông, nhưng tối 3/1 ông tuyên bố trên trang mạng Twitter rằng sẽ tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên với tư cách Tổng thống đắc cử vào ngày 11/1 tại thành phố New York. Có thể nói, so với các tổng thống khác trong lịch sử hiện đại, ông là người tổ chức cuộc họp báo đầu tiên muộn nhất, hầu hết các vị tổng thống Mỹ khác tổ chức sự kiện này chỉ vài ngày sau khi đắc cử. 

 Trong lúc tập trung vào việc bổ nhiệm nội các, Tổng thống đắc cử và các cố vấn cấp cao cũng tiến hành vạch ra chương trình nghị sự trong nước và quốc tế tại các cuộc họp kín ở tòa tháp của ông ở Manhattan. Sau lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1 tới, lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua, đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả Thượng viện, Hạ viện và Nhà Trắng . 

Mike Pence - người sẽ trở thành Phó Tổng thống - cho biết trọng tâm ban đầu của chính quyền mới sẽ là “hủy bỏ và thay thế chương trình y tế Obamacare” cùng đạo luật giảm bớt sự kiểm soát của chính phủ với các doanh nghiệp. 

Hồi hộp chờ... điều trần

Ngày 3/1, Quốc hội Mỹ khoá 115 bắt đầu nhóm họp với tỷ lệ nghị sĩ giữa Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ là 52/48 tại Thượng viện và 241/194 tại Hạ viện. Trọng tâm của Thượng viện trong thời gian đầu là thông qua các đề cử của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Theo quy định, các đề cử nội các và nhiều vị trí trong chính quyền khác sẽ phải điều trần và được thông qua tại ủy ban tương ứng của Thượng viện, trước khi đưa ra bỏ phiếu tại toàn thể Thượng viện. 

Với tỷ lệ hiện tại giữa hai đảng, một số đề cử có thể sẽ gặp khó khăn, bao gồm Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson do có mối quan hệ thân thiết với Nga, từng được Tổng thống Vladimir Putin tặng huân chương; Bộ trưởng Tư pháp đề cử Jeff Session do bị cáo buộc phân biệt chủng tộc và từng bị Quốc hội bác bỏ khi được Tổng thống Ronald Reagan đề cử làm Thẩm phán Toà Tối cao; Bộ trưởng Tài chính đề cử Steve Mnuchin do có mối quan hệ thân thiết với Phố Wall; và Bộ trưởng Quốc phòng đề cử James Mattis do không đáp ứng yêu cầu về thời gian giải ngũ. Trường hợp của Tướng James Mattis sẽ cần được cả 2 viện đồng ý đặc cách thông qua. 

Chuck Schumer - lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện nhiệm kỳ tới - cho biết sẽ tập trung chất vấn 8 đề cử của ông Trump bao gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tư pháp, Giáo dục, Y tế, Lao động, Tài chính, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Ông Schumer tuyên bố phản đối bất kỳ nỗ lực nào của đảng Cộng hòa nhằm nhanh chóng tiến hành điều trần và thông qua các đề cử trước ngày nhậm chức của ông Trump là ngày 20/1 tới. Ông Schumer khẳng định Quốc hội sẽ chỉ thông qua khi có đủ thông tin về các ứng viên, do đó mỗi đề cử cần ít nhất 2 ngày điều trần và mỗi tuần chỉ điều trần tối đa 2 vị trí đề cử. 

Chủ tịch Uỷ ban Quân lực Thượng viện John McCain cũng nhắc lại quan ngại về mối quan hệ giữa Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson và Tổng thống Nga Putin, khẳng định ông Tillerson sẽ phải giải thích về mối quan hệ này trong cuộc điều trần. 

Đến nay, Ủy ban Tư pháp đã công bố cuộc điều trần của Bộ trưởng Tư pháp đề cử Jeff Session sẽ diễn ra trong hai ngày 10-11/1 tới. Các Ủy ban Đối ngoại, Quân lực cho biết các cuộc điều trần của Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng đề cử James Mattis cũng sẽ sớm diễn ra. Trong lịch sử, chỉ có 9 đề cử nội các bị Thượng viện bỏ phiếu bác bỏ và 12 đề cử chủ động rút lui do bị phản ứng mạnh trước đó. Lần cuối cùng Thượng viện Mỹ bác bỏ một đề cử nội các là vào năm 1989 đối với Bộ trưởng Quốc phòng đề cử John Tower của Tổng thống George W. Bush. 

Tại Hạ viện Mỹ, công việc đầu tiên sẽ là chính thức bỏ phiếu bầu lại Paul Ryan làm Chủ tịch Hạ viện. Tiếp đó, Hạ viện nhiều khả năng sẽ thông qua một nghị quyết lên án chính quyền Barack Obama vì bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBALHQ) về các khu định cư của Israel tại Bờ Tây. Theo CNN, luật sư George Conway - chồng của Cố vấn Tổng thống Kellyanne Conwaym - đang được ông Trump cân nhắc đảm nhiệm vị trí “luật sư trưởng” trong chính quyền, là vị trí thứ 3 trong Bộ Tư pháp, đại diện cho chính quyền trước Toà án Tối cao. 

Kết thúc năm 2016, ông Trump đăng trên mạng Twitter cá nhân lời chúc mừng năm mới tới tất cả mọi người, bao gồm cả những kẻ thù đã từng chiến đấu chống lại mình và đã thảm bại. Về phía chính quyền đương nhiệm, Tổng thống Obama tuyên bố ngày 10/1 tới sẽ có bài phát biểu từ biệt tại Chicago, tổng kết 8 năm cầm quyền và cảm ơn những người ủng hộ. 

Quang cảnh kỳ họp Quốc hội Mỹ khóa 115 khai mạc tại Washington ngày 3/1
Quang cảnh kỳ họp Quốc hội Mỹ khóa 115 khai mạc tại Washington ngày 3/1

Và “sóng gió” trước mặt...

Donald Trump và đội ngũ của ông đang bước tới Nhà Trắng, chính thức chèo lái “con thuyền” nước Mỹ trong 4 năm tới với không ít “sóng gió” đang chờ trước mặt.

Ông Trump bước vào phòng Bầu dục với tỷ lệ phản đối ở mức 48%, trong bối cảnh thế giới phức tạp và nguy hiểm hơn so với nhiều thập kỷ qua. Hơn thế nữa, ông sẽ đứng đầu một đảng Cộng hòa đang bị chia rẽ bởi những tranh cãi về hệ tư tưởng. Mỗi ngày, Tổng thống cùng 470 nhân viên Nhà Trắng phải đưa ra hàng loạt quyết định quan trọng giúp định hình nên chính quyền của nước Mỹ. 

Ông Trump, từ một giám đốc điều hành cho tới người đứng đầu đất nước, đã bổ nhiệm một nhóm người nhiều khác biệt, từ các thành viên trong gia đình, các tướng lĩnh, các tỷ phú và cả những thành viên đảng Cộng hòa kỳ cựu - mà nhiều người trong số đó chưa từng làm việc trong Nhà Trắng - vào các vị trí trong chính quyền để giúp ông điều hành đất nước. Sự đa dạng các quan điểm kiểu này có thể là một nhân tố tích cực, tuy nhiên sự khác biệt trong cách nhìn có thể dẫn tới mâu thuẫn và tạo ra những chia rẽ nghiêm trọng trong Nhà Trắng. Mâu thuẫn giữa Tổng Tham mưu trưởng Nhà Trắng John Sununu và Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Richard Darman dưới thời Tổng thống H.W. Bush (Bush cha) đã dẫn tới nhiều thông tin liên quan đến vấn đề thuế bị rò rỉ và một “cuộc chiến” đã nổ ra khiến ông chỉ đắc cử duy nhất một nhiệm kỳ. 

Trong khi đó, dư luận đang đặt ra hàng loạt câu hỏi: Liệu con gái lớn của Tổng thống đắc cử là Ivanka Trump có thể tham gia các cuộc họp nội các hay các hội nghị cấp cao, tương tự những gì cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Rosalynn của Tổng thống Jimmy Carter từng làm, hay có thể có tác động tới nhiều chính sách như bà Eleanor Roosevelt và Hillary Clinton hay không?.

Liệu ông Trump có giao phó các vấn đề chính sách cho những người Cộng hòa chính thống như nhân vật được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Reince Priebus hay không? Và liệu Mike Pence có khả năng trở thành một phó tổng thống nhiều ảnh hưởng nhất kể từ sau ông Cheney? Kellyanne Conway, chồng của Ivanka, hay cố vấn có tư tưởng cực hữu Steve Bannon sẽ là người cuối cùng trao đổi với ông Trump?.

Liệu các tướng lĩnh được bổ nhiệm vào những vị trí hàng đầu của Lầu Năm Góc và Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, cùng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Joseph Dunford có thể trở thành một lực lượng hết sức quyền lực trong chính quyền mới của Mỹ hay không?.

Ông Trump sẽ phải có những lựa chọn sáng suốt nếu muốn tránh bất ổn và có thể tiếp tục giữ vững tư thế ngẩng cao đầu như khi tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới...

Đọc thêm