Việc ban hành Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, tạo bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ Tư pháp nhất là cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng Bộ Tư pháp và của các chi bộ, đơn vị thuộc Bộ trong công tác PCTN; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN; tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ; kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; xây dựng các Đề án nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng… Kế hoạch giao trách nhiệm tổ chức thực hiện cho các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan đơn vị thuộc Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự, Thanh tra Bộ chủ động, tích cực nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong PCTN.