Các chuyên gia cho rằng, ngoài mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa… thì mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Đảng vững mạnh, phát triển đất nước phồn vinh; đảm bảo nghiêm minh kỷ luật, kỷ cương xã hội. Mối quan hệ này gắn chặt với chức năng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội
Nhấn mạnh vị trí và vai trò rất quan trọng của mối quan hệ này, ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII cho rằng, đây là quan điểm mới, thể hiện bước phát triển mới về nhận thức, lý luận của Đảng ta.
“Lâu nay, chúng ta vẫn thường hay nói, xây dựng nhà nước ta làm thế nào để đạt được 10 chữ vàng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, dân chủ vừa là mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước, vừa là động lực phát triển của xã hội. Nó cũng là chất xúc tác, là năng lượng sống của Đảng; là chìa khóa để mở ra những tiềm năng sáng tạo của các cán bộ, đảng viên và các cấp ủy đảng... Ngoài ra, dân chủ sẽ tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng tốt hơn, đây là vấn đề rất quan trọng, nếu không có dân chủ thì sự tồn tại, phát triển của Đảng sẽ gặp nhiều khó khăn, hạn chế” - ông Cuông nói.
- Vậy vấn đề thực hành dân chủ được Đảng và Nhà nước ta thể hiện bằng những hình thức nào, thưa ông?
- Theo tôi, phải thực hành thường xuyên và có nền nếp, phải dân chủ từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Vì Đảng là hạt nhân, nòng cốt, nhưng muốn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ thì phải lan rộng ra toàn xã hội. Việc thực hiện có thể thông qua các nội dung sau: Trước hết, phải phát huy dân chủ trong quá trình thảo luận hay quyết định đường lối, chính sách, cương lĩnh, nghị quyết của Đảng. Chẳng hạn, trong quá trình tổ chức Đại hội Đảng các nhiệm kỳ gần đây, nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự thảo văn kiện Đại hội được gửi đến tận đảng bộ cơ sở, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học và đăng tải trên các phương tiện truyền thông… Sau đó, các cơ quan và bộ phận chức năng tập hợp, chắt lọc các ý kiến để đưa lên Đại hội đảng các cấp và trình Đại hội Đảng toàn quốc quyết định. Tôi cho rằng đây là việc làm kỳ công và rất dân chủ.
Thứ hai, phải phát huy dân chủ trong lựa chọn, đề bạt, cất nhắc cán bộ theo quy trình, đó có thể là việc lấy ý kiến nhân dân để tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Thứ ba, phải phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, như trong sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ, đảng bộ và ngay cả trong các Đại hội đảng. Đây là những hình thức được thể hiện rất rõ trong thời gian vừa qua.
Ông Lê Văn Cuông. |
Nhưng trong các văn bản, Nghị quyết…, Đảng ta luôn nhấn mạnh: Dân chủ phải tập trung, thiểu số phải phục tùng đa số, đã ra Nghị quyết thì phải thực hiện nghiêm. Dân chủ nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo để dân chủ đi đúng hướng, tránh tình trạng dân chủ quá trớn, vô tổ chức.
- Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện dân chủ của Đảng ta trong thời gian qua?
- Có thể nói, chúng ta đã thu được nhiều kết quả tốt từ dân chủ trong Đảng cũng như ngoài xã hội. Ví dụ, các văn bản, quy định của Đảng và Nhà nước trước khi ban hành đều có phản biện, lấy ý kiến của nhân dân. Cụ thể là Mặt trận Tổ quốc thường xuyên lấy ý kiến phản biện trước khi Quốc hội, Chính phủ ban hành chính sách, pháp luật. Ngay cả Quốc hội thảo luận tại hội trường cũng rất dân chủ, công khai. Nhiều phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, đóng góp ý kiến. Đây là việc làm thiết thực, nhờ đó nhiều tiếng nói của nhân dân được truyền tải đến Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các cơ quan chức năng, giúp các Nghị quyết của Đảng và các quy định pháp luật sớm đi vào cuộc sống và có sức sống lâu bền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường, nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, nhiều nơi, vấn đề dân chủ trong Đảng cũng như ngoài cộng đồng xã hội còn hình thức, nhất là tình trạng một số người đứng đầu còn độc đoán, chuyên quyền, chưa gương mẫu. Trong hội nghị, một số tổ chức, cá nhân bằng mặt nhưng không bằng lòng, nhất là trong phê bình và tự phê bình còn hạn chế. Công tác cán bộ nói là cấp ủy quyết định nhưng ở một vài nơi là người đứng đầu quyết định, cấp ủy chỉ “tát nước theo mưa”; Tình trạng đề bạt “con ông, cháu cha” thì giải thích là đúng quy trình nhưng không đúng đối tượng vì dân chủ còn hình thức.
Vì vấn đề kỷ luật, kỷ cương, dân chủ, công khai, minh bạch chưa thực hiện tốt nên hình thành nên mảnh đất màu mỡ và sinh ra hiện tượng lợi ích nhóm; tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy việc”… trong công tác cán bộ ngày càng tinh vi, kín đáo hơn; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Điển hình là những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến vụ Việt Á; sai phạm liên quan đến nhiều cán bộ thuộc Bộ Ngoại trong thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa đồng bào về nước…
Phải xây dựng quy chế, quy định cụ thể, sát thực
- Thưa ông, để mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội được thực hiện một cách đồng bộ, đem lại hiệu quả cao trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chúng ta cần đẩy mạnh những giải pháp gì?
- Tôi cho rằng, dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương là hai mặt của một vấn đề, có tác động biện chứng lẫn nhau, không thể có dân chủ thuần túy mà phải là dân chủ tập trung và gắn với pháp chế, kỷ cương. Do vậy, phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt vấn đề này, để từ đó xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Ngoài ra, phải xây dựng quy chế, quy định cụ thể và sát với thực tế. Điều này rất quan trọng; phải nói dân chủ cụ thể chứ không thể hô hào chung chung. Chẳng hạn, nói thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật thì phải căn cứ vào đâu? Trên cơ sở các quy định của Trung ương, các đảng bộ trực thuộc Trung ương, các tổ chức đảng phải thực sự năng động, chủ động cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết của Trung ương đã đề ra, sao cho thật sát hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của địa phương mình, ngành mình, cơ quan, đơn vị mình. Càng cụ thể, chi tiết càng dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đồng thời, phải phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên - nhất là người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng là việc làm vô cùng quan trọng bảo đảm cho mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội được thực hiện nghiêm. Vì chỉ có kiểm tra mới biết được cơ quan, đơn vị đó thực hiện hay không thực hiện, thực hiện tốt hay không tốt? Đảng ta đã nhấn mạnh, không kiểm tra, giám sát thì coi như không lãnh đạo. Do đó, việc phát hiện yếu kém, khắc phục ra sao phải thông qua công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Đặc biệt, thông qua công tác kiểm tra, giám sát mới phát hiện những quy định còn bất cập, chưa phù hợp để sửa chữa, bổ sung, khắc phục. Chế tài xử lý phải nghiêm minh, trên quan điểm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, tránh tình trạng “trên xử nhẹ, dưới xử nặng”.
- Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 21 và Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (diễn ra vào tháng 12 năm ngoái), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Ông nhận xét gì về vấn đề này?
- Dân chủ trong công tác cán bộ rất quan trọng, nhất là người đứng đầu. Lâu nay nhiều nơi cứ nói trách nhiệm tập thể, nhưng tập thể chỉ là màn che, còn quyết định vẫn là người đứng đầu. Vì thế, trên thực tế có sự lẫn lộn giữa cá nhân và tập thể. Ý kiến của Tổng Bí thư rất đúng, theo đó, người nào giới thiệu hoặc quyết định nhân sự cán bộ thì phải chịu trách nhiệm, chứ không thể sau này khi vị cán bộ đó có sai phạm lại đổ lỗi cho tập thể để rồi “hòa cả làng”.
Không thể vì nể nang, cánh hẩu mà ký quyết định bổ nhiệm rồi hậu quả để cho xã hội và nhân dân chịu. Do vậy, phải dân chủ thực sự, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề đó. Còn nếu “anh” không đồng tình thì có thể bảo lưu ý kiến, nhưng phải chấp hành ý kiến tập thể.
- Trân trọng cám ơn ông!
Chú trọng mối quan hệ “sinh tử” giữa dân chủ và luật pháp
Theo GS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, dân chủ phải chịu sự kiểm soát, điều chỉnh của luật pháp; còn luật pháp là hành lang vận động của dân chủ. Do vậy, chúng ta phải chú trọng mối quan hệ “sinh tử” giữa luật pháp và dân chủ. Nói rõ hơn về các điều kiện để thực hiện dân chủ ở cơ sở, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, trước hết người dân phải am hiểu pháp luật, bởi nếu không am hiểu pháp luật, không thực hiện đúng luật thì tự “anh” sẽ phá hoại dân chủ của “anh”.