Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Nguyễn Thanh Bình vừa ký ban hành công văn số 1936/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 28/8/2023 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Cùng với đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Công Thương địa phương và lực lượng chức năng tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp nắm tình hình với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới, vùng biển.

Bên cạnh đó, tích cực trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin về hoạt động buôn lậu xăng dầu trên tuyến biên giới, vùng biển giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu xăng dầu; tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới, vùng biển.

Thủ trưởng cơ quan QLTT chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.

Tổng cục QLTT yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai, báo cáo tình hình kết quả thực hiện về Tổng cục QLTT theo quy định để báo cáo Lãnh đạo Bộ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo kịp thời về Tổng cục để thống nhất chỉ đạo.

Trước đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên có Chỉ thị 09 yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh giá bán lẻ, nguồn cung trong nước đang chịu tác động khó lường của tình hình thế giới và lệnh cấm của EU với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga cũng như việc hạn chế sản lượng của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng kiểm tra thường xuyên, đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong kinh doanh xăng dầu.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, ước tính mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 21-22 triệu tấn xăng dầu các loại cho tiêu dùng, sản xuất .

Hiện nguồn cung trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, còn lại nhập khẩu. Trong 7 tháng của năm 2023, hai nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất được khoảng 8,1 triệu tấn xăng dầu các loại, riêng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 53% sản lượng. Ước tính có khoảng 6,13 triệu tấn xăng dầu được Việt Nam nhập về trong 7 tháng đầu năm.