Tăng cường hiệu lực bộ máy để giải quyết sự cố

(PLO) - Tin đồn là một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội. Đã có lúc, tin đồn gây hoang mang dư luận nhưng không ai đứng ra cải chính, kể cả cơ quan chức năng lẫn người trong cuộc. 
Tăng cường hiệu lực bộ máy để giải quyết sự cố

Vừa rồi tin đồn đổi tiền khiến nhiều người bất an và cũng đã gây xáo động. Lần này, sự thể đã khác trước, Ngân hàng Nhà nước kịp thời lên tiếng, khẳng định không có chuyện đó, trấn an dư luận. Song, Thủ tướng Chính phủ vẫn phải chỉ đạo Bộ Công an tìm ra thủ phạm gây ra tin đồn đó. Động thái này là cần thiết, bởi nếu không những tin đồn đầy ác ý, phục vụ cho mục đích tối tăm nào đó vẫn tiếp tục xuất hiện.

Một sự cố khác là tin đồn dấy lên mối nghi ngờ có những khuát tất trong vận hành “vé số kiểu Mỹ” Vietlott. Thủ tướng cũng chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ việc này.

Trong một diễn biến khác, Giám đốc một Công ty bảo vệ tại TP HCM rút súng gí vào đầu một phụ nữ, bắn chỉ thiên ngoài phố, gây nên sự bất an trong cộng đồng. Mọi người lo ngại việc sử dụng súng ống bừa bãi và các hành vi hung bạo, coi thường con người lộng hành.

Chủ tịch UBND TP chỉ đạo cơ quan Công an vào cuộc ngay và lập tức kẻ rút súng hùng hổ đó bị mời về trụ sở Công an nhằm làm rõ hành vi của anh ta. Rất đáng phải lưu ý là trước khi xảy ra chuyện này, người phụ nữ bị gí súng vào đầu đã báo Công an phường sở tại nhưng được “giới thiệu” đến cơ quan khác. Giá như, Công an phường sở tại giải quyết ngay thì sự cố này đã không xảy ra.

Mặt tích cực của các chỉ đạo trên là kịp thời, là không bỏ qua những sự cố gây bức xúc và bất an xã hội, thể hiện sự sâu sát của người lãnh đạo. Mặt khác, cũng chứng tỏ rằng một số cơ quan chức năng đã phản ứng chậm trước sự cố và phải đợi đến khi có chỉ đạo thì mới làm. Có một thực trạng là nhiều sự cố xảy ra cần được giải quyết trong thẩm quyền của mình nhưng chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng không sốt sắng vào cuộc mà treo sự việc ở đó, chờ xin ý kiến của cấp trên. Động thái này làm giảm sút đáng kể hiệu quả và hiệu lực quản lý của bộ máy công quyền và tạo ra thói quen ỷ lại, đợi chỉ đạo rồi mới làm hoặc buộc phải làm theo chỉ đạo.

Tăng cường hiệu lực của bộ máy chỉ thực chất khi các cơ quan chức năng và cá nhân người có chức vụ, quyền hạn thực hiện chức năng của mình một cách chủ động, trách nhiệm và giải quyết tức thời sự cố xảy ra trong lĩnh vực mình phụ trách mà không phải cần đến sự chỉ đạo từ cấp trên.

Đọc thêm