Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội

(PLO) - Đó là chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Đào Việt Ánh tại Hội nghị sơ kết 05 năm công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020 khu vực phía Nam, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức vừa qua tại TP Hồ Chí Minh.
Quang cảnh hội nghị

Độ bao phủ BHXH, BHYT đạt khoảng 86% dân số 

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết: Trong 5 năm qua, công tác chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật BHXH, BHYT; cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... 

Đặc biệt, công tác tuyên truyền BHXH, BHYT trong thời gian qua đã góp phần định hướng dư luận, tạo sự ổn định về tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Nhờ đó, việc triển khai thực hiện BHYT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 

Cụ thể, nhiều địa phương đã tổ chức hình thức đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng, như nhóm chủ doang nghiệp (DN), NLĐ trong các DN, đặc biệt các DN ngoài nhà nước. Giải đáp vướng mắc của DN và NLĐ. Tăng cường tuyên truyền, giải thích cho các DN còn nợ, trốn đóng BHXH; kiên quyết yêu cầu chủ DN thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho người lao động, như các tỉnh: Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh...

Cùng với đó, việc nắm bắt thông tin phản hồi được chú trọng triển khai nhất là phối hợp giải quyết những "điểm nóng", những vấn đề dư luận bức xúc hoặc quan tâm. Các ý kiến của nhân dân được phản ánh trên các diễn đàn thông tin đại chúng; ý kiến trả lời, giải đáp của các cơ quan chức năng được công bố rộng rãi, bảo đảm cơ chế thông tin hai chiều trong tuyên truyền. Từ đó, góp phần ổn định tình hình tư tưởng, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cũng cho rằng: “Công tác tuyên truyền đã phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết, luật pháp, chính sách liên quan đến BHXH, BHYT; đề xuất, kiến nghị sửa đổi chủ trương, chính sách, pháp luật cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Với chức năng nắm bắt và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo các cấp đã tích cực, kịp thời theo dõi, tổng hợp tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân liên quan đến BHXH, BHYT. Đây là một kênh thông tin quan trọng giúp các cấp ủy, chính quyền có thêm cơ sở thực tiễn để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản về lĩnh vực này”.

Nhờ đó, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong công tác phát triển đối tượng tham gia với độ bao phủ BHXH, BHYT đạt khoảng 86% dân số. Sau 5 năm, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã tăng khoảng 30%. Công tác cải cách thủ tục hành chính về BHXH của BHXH Việt Nam đã đạt được những dấu ấn lớn, tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị và DN khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Thủ tục hành chính về BHXH, BHYT giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục, số giờ giao dịch về BHXH, BHYT giảm từ 335 giờ xuống còn 147 giờ (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) và 51 giờ (theo đánh giá của các cơ quan trong nước).

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn đó những hạn chế, yếu kém trong công tác tuyên truyền. Cụ thể, một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức, chưa có chiến lược tuyên truyền dài hạn; nội dung tuyên truyền chưa sâu, còn dàn trải, hình thức thiếu hấp dẫn; công tác phối hợp còn chưa chặt chẽ ở một số nơi. Tại một số địa phương, Ban Tuyên giáo chưa phát huy hết vai trò nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền.

Chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nói trên, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, một số cấp ủy, chính quyền còn xem công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH và ngành Tuyên giáo; chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT có một số nội dung mới chưa được hướng dẫn kịp thời, gây khó khăn trong quá trình tuyên truyền; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền ở nhiều nơi còn rất hạn chế...

Theo đó, để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 21, trong đó, đặc biệt là mục tiêu về bao phủ BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh yêu cầu, trong thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố cần khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cần tiếp tục đẩy mạnh, tập trung vào một số nội dung chủ yếu: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền BHXH, BHYT; nâng cao tính thiết thực, chiều sâu trong nội dung tuyên truyền BHXH, BHYT; đổi mới hình thức tuyên truyền BHXH, BHYT, bảo đảm tính phong phú, đa dạng, phù hợp với đối tượng; bồi dưỡng nâng cao kiến thức BHXH, BHYT cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền. 

Đọc thêm