Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chưa bao giờ việc tuyên truyền về công tác BHXH, BHYT được triển khai tốt như hiện nay. Công tác này đã nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương, chính quyền các cấp cũng như sự vào cuộc tích cực các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan hoạch định chính sách.
Cùng với đó, nội dung tuyên truyền, phối hợp ngày càng chất lượng, có tính cấp thiết hơn, đã kết hợp hài hòa giữa yêu cầu cần thông tin và nhu cầu nắm bắt thông tin của các đối tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu nói trên, công tác tuyên truyền, phối hợp triển khai Nghị quyết 21 vẫn còn những tồn tại nhất định. Đó là mức độ bao phủ người tham gia BHXH, BHYT còn thấp, đặc biệt là các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Mặt khác, tính bền vững chưa cao, tính tích cực, chủ động tham gia còn hạn chế; vẫn còn tình trạng nợ đọng của các doanh nghiệp ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động…
Là hai chính sách xã hội quan trọng, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bởi vậy tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị trong thời gian tới.
Trong đó, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền BHXH, BHYT; nâng cao tính thiết thực, chiều sâu trong nội dung tuyên truyền cùng với đổi mới hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, vùng miền.
Cùng với đó, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, giám sát; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đóng đầy đủ bảo hiểm cho người lao động, tránh nợ đọng các loại bảo hiểm; cần có chế tài xử lý nghiêm với các đơn vị cố tình trốn tránh, nợ đọng BHXH kéo dài./.