Tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý

(PLO) - Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) diễn ra chiều qua (5/1).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì cuộc họp
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì cuộc họp

Báo cáo kết quả công tác năm 2017, Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh khẳng định các nhiệm vụ trọng tâm của Cục đều được triển khai đúng tiến độ đề ra và bảo đảm chất lượng. Nhiệm vụ của Cục được triển khai đồng bộ từ xây dựng thể chế, quản lý chỉ đạo điều hành đến các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể, tất cả các văn bản đã được Cục nghiên cứu, xây dựng và trình ban hành đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, đặc biệt là Cục đã tham mưu để Bộ Tư pháp giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua dự án Luật TGPL (sửa đổi) với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành. Ngay sau đó, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL; trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL trước thời hạn 2 tháng; trình Chính phủ ban hành Nghị định quy địntháng so với Kế hoạch được giao từ đầu năm 2017.

Cùng với đó, Cục đã chú trọng công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các địa phương, bảo đảm giúp địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện công tác TGPL đúng quy định.

Trong năm 2018, Cục TGPL sẽ tập trung nguồn lực để phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai thi hành Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, tiếp tục hoàn thiện thể chế công tác TGPL, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cùng với đó, Cục tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 — 2025, trong đó tập trung thực hiện vụ việc tham gia tố tụng, nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, tăng cường công tác truyền thông về TGPL, tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL. Công tác quản lý nhà nước đối với TGPL sẽ tiếp tục được tăng cường đồng thời đẩy mạnh phương châm hướng về cơ sở, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động TGPL tại các địa phương để thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về công tác này. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác TGPL, đẩy mạnh công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động TGPL và tăng cường hợp tác quốc tế song phương, đa phương về TGPL.

Nhận định công tác TGPL tuy còn nhiều khó khăn nhưng kết quả mà Cục TGPL đạt được khá ấn tượng, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh, Luật TGPL được thông qua là một thành công, sự kiện nổi bật của Bộ, ngành Tư pháp trong năm vừa qua. Công tác quản lý nhà nước trong hoạt động TGPL đã từng bước đi vào chiều sâu, tính “nghề” trong TGPL đã rõ nét hơn. Thời gian tới, ông Ba hy vọng Cục sẽ tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, phối hợp hiệu quả hơn nữa với các đơn vị thuộc Bộ để triển khai hiệu quả, tham mưu kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật TGPL, các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và quan tâm hơn tới công tác pháp điển hóa các văn bản pháp luật về TGPL.

Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về TGPL, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Trần Văn Dũng đề nghị Cục cần tập trung tăng cường năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ở địa phương, trong đó chú trọng tới trau dồi các kỹ năng TGPL. Bày tỏ đồng tình, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội Nguyễn Hữu Thành đề xuất cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để thống nhất cách áp dụng các quy định của Luật. Đồng thời, Cục cần sớm tham mưu trình Bộ ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. 

Nhấn mạnh năm 2017 là năm thể chế của công tác TGPL, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhận định tư duy, nhận thức về TGPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực tiễn công tác quản lý nhà nước cũng cho thấy Đề án đổi mới công tác TGPL đã phát huy tác dụng. Song, công tác TGPL vẫn còn một số tồn tại như nhận thức về công tác này còn chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, số lượng vụ việc TGPL tăng nhưng chất lượng một số vụ việc chưa đạt như mong muốn.

Khẳng định TGPL là chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, đối tượng được TGPL mang tính “nhạy cảm” nên Thứ trưởng yêu cầu Cục cần nhận thức rõ điều này, phát huy tinh thần, trách nhiệm trong việc và đặt người được TGPL làm trung tâm. Năm 2018 là năm đầu tiên tập trung tổ chức thi hành Luật TGPL nên mỗi cán bộ, công chức phải nắm rõ các quy định của Luật, thường xuyên nắm bắt thông tin từ cơ sở, phản ánh từ báo chí để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu cần tập trung tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện TGPL ở cả trung ương và địa phương, trong đó hướng vào trau dồi kỹ năng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và nâng cao bản lĩnh chính trị. Chất lượng dịch vụ TGPL là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của công tác này nên cần không ngừng nâng cao chất lượng để đảm bảo sự hài lòng của người dân. Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát cắt giảm một số thủ tục hành chính trong công tác TGPL.

Đọc thêm