Nâng cao về chất đội ngũ PBGDPL
Thống kê mới nhất của Bộ Tư pháp cho biết, cả nước có 26.716 báo cáo viên pháp luật và 144.591 tuyên truyền viên pháp luật.
So với năm 2011 (thời điểm trước khi có Luật PBGDPL), tăng 7.355 báo cáo viên pháp luật và 57.766 tuyên truyền viên pháp luật. Một số ngành còn xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật của ngành, như trong lực lượng Công an nhân dân, hiện có khoảng 1.800 báo cáo viên pháp luật.
Tính đến nay, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ đều đã thành lập Vụ Pháp chế hoặc bố trí cán bộ trực tiếp theo dõi và thực hiện công tác PBGDPL theo ngành dọc. Ở địa phương, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành kiện toàn bộ phận làm nhiệm vụ PBGDPL. Hiện 63/63 Sở Tư pháp đã thành lập Phòng PBGDPL. Các đơn vị cấp huyện trong cả nước thì thành lập Phòng Tư pháp, trong đó bố trí cán bộ chuyên trách về công tác PBGDPL. Tại cấp xã, đội ngũ cán bộ tư pháp – hộ tịch thường xuyên được củng cố và giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác PBGDPL ở cơ sở.
Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở bộ, ngành và sở, ngành ở một số tỉnh, thành phố dần được tăng cường về số lượng; số người có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ cao. Cùng với chủ trương hướng mạnh PBGDPL về cơ sở, lực lượng công chức tư pháp – hộ tịch của xã, phường, thị trấn đã làm đầu mối để huy động cán bộ đảng, chính quyền và đoàn thể tham gia công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia đông đảo của đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, môn Pháp luật, luật sư, luật gia tham gia thực hiện công tác PBGDPL.
Để tăng cường chất lượng đội ngũ, việc cấp phát tài liệu và tập huấn kiến thức, nghiệp vụ PBGDPL cho các địa phương được đặt lên hàng đầu. Hàng năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức biên soạn tài liệu PBGDPL dưới nhiều hình thức... và chủ động cung cấp các bài giảng điện tử giới thiệu nội dung cơ bản của Luật, Pháp lệnh mới ban hành và đăng tải trên Trang thông tin PBGDPL cho đội ngũ làm công tác PBGDPL trên cả nước.
Về tổ chức tập huấn kiến thức, nghiệp vụ PBGDPL cho các địa phương, Luật PBGDPL năm 2012 đã quy định cụ thể trách nhiệm PBGDPL của các cơ quan, tổ chức.
Để tạo điều kiện cho địa phương, hàng năm, Bộ Tư pháp đều có tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho công chức thực hiện công tác PBGDPL tại các Sở Tư pháp, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh nhằm góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ này.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng PBGDPL; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai công tác PBGDPL. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện các bài giảng điện tử, triển khai hiệu quả Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL góp phần đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới.
Để PBGDPL thực sự là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Bộ Tư pháp cũng đề nghị các cơ quan Tư pháp, tổ chức pháp chế tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ PBGDPL; tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với công tác PBGDPL; có giải pháp lồng ghép các hoạt động để khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; khuyến khích, huy động các nguồn lực theo tinh thần xã hội hóa để công tác PBGDPL thực sự là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Trong khả năng và điều kiện ngân sách được cấp để triển khai các Đề án PBGDPL, Bộ Tư pháp sẽ cố gắng cân đối để có sự hỗ trợ chỉ đạo điểm cần thiết cho một số địa phương thực sự khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo định hướng tại Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho địa phương.
Trong thực tiễn triển khai công tác PBGDPL, vướng mắc được nhiều địa phương đề nghị Bộ Tư pháp tháo gỡ chính là vấn đề về kinh phí bởi “có thực mới vực được đạo”. Theo đó, một số ý kiến mong sớm sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư liên tịch (TTLT) số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL. Có địa phương đề nghị Trung ương nên định hướng tổng quát về công tác PBGDPL, còn địa phương xây dựng chính sách cụ thể để vừa bảo đảm được yêu cầu PBGDPL ở địa phương vừa chủ động được nguồn kinh phí của mình…
Về sửa đổi, bổ sung TTLT số 14, Bộ Tư pháp cho biết, năm 2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá thực trạng việc triển khai TTLT 14, qua đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu công tác này. Tuy nhiên, kết quả tổng hợp ý kiến cho thấy, các bộ, ngành, địa phương cơ bản vẫn đánh giá việc triển khai TTLT khá ổn định, đảm bảo tương quan thống nhất chung về nội dung chi, mức chi với các văn bản tài chính hiện hành về các lĩnh vực công việc có tính chất tương tự, là cơ sở pháp lý quan trọng để đáp ứng việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí cho PBGDPL.
Đối với một số nội dung chi, mức chi không còn phù hợp do các văn bản được dẫn chiếu trong TTLT đã sửa đổi, bổ sung, thay thế, đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ khoản 2 Điều 7 TTLT 14 để áp dụng văn bản mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế trong việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí, bảo đảm nội dung và mức chi theo quy định hiện hành.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính nắm bắt kịp thời ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để từng bước có sự điều chỉnh, khắc phục vướng mắc, đảm bảo tính khả thi, cần thiết và phù hợp với thực tế.
Về trách nhiệm phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp phân tích, theo quy định trong Luật PBGDPL năm 2012 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, HĐND phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác PBGDPL trên cơ sở Sở Tư pháp tham mưu đề xuất nội dung chi, mức kinh phí cho công tác PBGDPL, phối hợp với Sở Tài chính để trình dự toán tới UBND. Mức kinh phí cụ thể được phân bổ phụ thuộc vào tình hình ngân sách, điều kiện của địa phương và Kế hoạch triển khai nhiệm vụ PBGDPL trong năm. Vì vậy, Trung ương không thể định hướng tổng quát về mức kinh phí cho công tác PBGDPL ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Đồng thời, Luật PBGDPL, TTLT 14 đã quy định rõ cơ chế tài chính cho công tác PBGDPL. Theo đó, kinh phí PBGDPL của các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách do ngân sách nhà nước bảo đảm và thực hiện theo nguyên tắc phân cấp ngân sách Trung ương và địa phương; đồng thời, kinh phí có thể huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, có thực tế là các xã, phường, thị trấn không được bố trí kinh phí cho công tác này. Xuất phát thực tế triển khai Luật PBGPDL và các văn bản hướng dẫn thi hành nêu trên, trong chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ Tư pháp luôn đề nghị lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm bảo đảm kinh phí, nguồn lực để triển khai nhiệm vụ PBGDPL. Do đó, các địa phương cần chủ động tham mưu, lập dự toán, đề xuất UBND cùng cấp bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi ngân sách của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.
Ngoài ra, đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan Tư pháp các cấp phát huy vai trò đầu mối, chủ trì tham mưu giúp UBND cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo, điều phối các hoạt động và kinh phí thực hiện Chương trình, các Đề án về PBGDPL tại địa phương để lồng ghép, tiết kiệm, tránh tình trạng dàn trải, lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước trong công tác PBGDPL tại cùng một địa bàn, lĩnh vực, đối tượng cụ thể.
Về lâu dài, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với bộ, ngành, đoàn thể đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành luật, pháp lệnh để có được nguồn lực bảo đảm cho công tác này; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, điều chỉnh các quy định về lĩnh vực công tác này đảm bảo tính khả thi, phù hợp, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác này trong tình hình mới, trong đó có nghiên cứu đề xuất về việc quy định định mức PBGDPL ở địa phương nếu hợp lý.