Tăng cường theo dõi thi hành pháp luật để chấm dứt tình trạng “nhờn luật”

(PLO) - Ngày 25/5, trong khuôn khổ Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL) giai đoạn 2018 - 2022” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh. Cùng dự có nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, đại diện USAID Việt Nam, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp  Đặng Hoàng Oanh
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh

Tình trạng “nhờn luật” vẫn tiếp diễn 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh xây dựng và tổ chức THPL là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, công tác tổ chức THPL cần bám sát định hướng cơ bản là thực hiện từng bước chuyển hướng chiến lược từ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác theo dõi THPL bởi tình trạng “nhờn luật” vẫn còn diễn ra, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân còn hạn chế… 

Trước bối cảnh trên, theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn 2018 - 2022” (Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018). Đề án nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức THPL, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức THPL. 

Triển khai Đề án 242 một cách chủ động, bài bản, chất lượng, đầu tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1020/QĐ-BTP xác định rõ nhiệm vụ, thời hạn, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Đề án. Với ý nghĩa quan trọng của Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải trong công tác tổ chức THPL nói chung và trong triển khai Đề án nói riêng cũng như chia sẻ những cách làm hay, mô hình tốt và đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện thể chế công tác tổ chức THPL và theo dõi THPL. 

Sớm ban hành Luật về tổ chức THPL

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn đã giới thiệu, phổ biến, quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp lớn tại Đề án 242 và Quyết định 1020. Theo ông Sơn, để triển khai hiệu quả Đề án 242, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ được giao; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Đề án ở các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình; phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai Đề án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, địa phương. 

Ông Sơn cũng cho biết một số yêu cầu đối với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Đề án 242. Chẳng hạn, đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác tổ chức THPL có thể tiến hành bằng nhiều hình thức như xây dựng, ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chỉ thị của Tỉnh ủy; thường xuyên, định kỳ họp giao ban về công tác tổ chức THPL.

Hay đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức THPL thì cần xây dựng và ban hành quy chế phối hợp về công tác theo dõi tình hình THPL của bộ, ngành, địa phương; các địa phương chủ động xây dựng quy trình chung, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã trong việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình THPL…

Đại diện tổ chức pháp chế các bộ, ngành, các Sở Tư pháp đã phản ánh thực tiễn tình hình triển khai Đề án 242, đồng thời nêu giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện Đề án 242 một cách hiệu quả. Trưởng phòng, Cục Pháp chế và cải cách thủ tục hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Lê Trang Hùng kiến nghị xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về tổ chức THPL.

Theo đó, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành Luật về tổ chức THPL, tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho công tác này, phù hợp với yêu cầu đặt ra hiện nay, nhất là khi các công tác liên quan như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật đều đã có Luật điều chỉnh.

Từ thực tiễn địa phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Tống Thị Thanh Nam đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức quán triệt, tập huấn các nội dung của Đề án nhằm nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác tổ chức THPL và sự cần thiết của Đề án trong việc đổi mới công tác này, đặc biệt là những nội dung cần được tập trung chỉ đạo triển khai tại địa phương.

Bà Nam cũng mong muốn việc tổ chức các hoạt động của Bộ trong từng năm cần được thông tin sớm để các địa phương chủ động bố trí, kết hợp các hoạt động, từ đó tạo hiệu quả cao hơn trong triển khai Đề án.

Đọc thêm