Khảo sát tại Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ bày tỏ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã quán triệt và thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đối với chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và người có công.
Nhấn mạnh ý nghĩa của chính sách tiền lương đối với Quân đội- ngành lao động đặc biệt, tự nguyện hy sinh vì Tổ quốc, lao động trong điều kiện khó khăn, toàn thời gian, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Quốc phòng và các Bộ đánh giá rõ tương quan giữa Quỹ lương dành cho Quân đội với Quỹ lương của các lĩnh vực khác để có căn cứ thực tiễn cải cách chính sách lương đối với Quân đội.
Bộ Quốc phòng nghiên cứu việc chuyển hình thức trả lương theo cấp bậc quân hàm và phụ cấp chức vụ sang trả lương theo vị trí, chức vụ và phụ cấp quân hàm, phù hợp với chủ trương của Đảng; hướng tới xây dựng vị trí việc làm trong Quân đội; rà soát lại các hệ thống phụ cấp để tích hợp các loại phụ cấp phù hợp vào lương hay bổ sung phụ cấp...
Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ cũng nêu rõ Đề án cải cách tiền lương mà Ban chỉ đạo tập trung xây dựng trình Trung ương Đảng sẽ giải quyết các bất cập hiện nay đối với chính sách tiền lương là cào bằng, bất hợp lý giữ khu vực công- tư, không là động lực của lao động, sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương, gắn liền với việc tinh gọn biên chế, nâng cao chất lượng đơn vị sự nghiệp công. Đề án cũng sẽ đề cao trách nhiệm trả lương của người đứng đầu, người sử dụng lao động gắn với năng lực, khả năng của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Khảo sát tại Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng việc khảo sát tiền lương tại khối doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là nội dung quan trọng trong Đề án cải cách tiền lương sẽ trình Trung ương thảo luận. Cải cách chính sách tiền lương, trong đó có khối doanh nghiệp nhà nước là biện pháp quan trọng tái cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty mà nhà nước có cổ phần chi phối.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các ban Đảng cũng tập trung thảo luận các nội dung cần làm rõ trong Đề án cải cách tiền lương như: Xác định thẩm quyền quyết định lương, công tác thanh tra- kiểm soát chế độ tiền lương; xem xét quy định mức lương tối thiểu của ngành, lương tối thiểu giờ; cơ chế điều chỉnh và thẩm quyền công bố điều chỉnh tiền lương tối thiểu; cơ cấu, chức năng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong giai đoạn tới; việc giao quyền cho các doanh nghiệp nhà nước tự quyết định thang, bảng lương của người lao động.
Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến thảo luận, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ cho rằng cần tăng cường tính tự chủ về thực hiện chính sách lương cho doanh nghiệp nhưng cần có lộ trình để triển khai. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải quản lý lương tối thiểu vùng theo thông lệ quốc tế, quản lý việc chi trả lương cho chức danh đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Chức danh lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không quy định thì sẽ “thả nổi” để doanh nghiệp tự quyết định mức lương.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các Bộ xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước để xác định mức chi trả tiền lương phù hợp của doanh nghiệp nhà nước; quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ để đáp ứng nhu cầu công việc bán thời gian, theo thời vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.
Về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị cần tính tới việc tích luỹ biến động của chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ tăng năng suất lao động; đồng tình với các ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thay vì Chính phủ phải ban hành Nghị quyết để điều chỉnh như hiện nay.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng đề nghị các Bộ nghiên cứu bỏ thang, bảng lương trong khối sản xuất kinh doanh theo lộ trình để tự doanh nghiệp quyết định tiền lương; tăng cường các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia với các thành viên là đại diện cho giới chủ và các chuyên gia tiền lương độc lập./.