Tham dự cuộc họp, về phía Văn phòng Quốc hội có bà Hoàng Thị Lan Nhung - Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội, ông Trịnh Ngọc Cường – Giám đốc Thư viện Quốc hội.
Về phía Bộ Tư pháp có ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật; ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục Pháp luật cùng đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Đơn vị chủ trì tham mưu soạn thảo dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi).
Dự cuộc họp còn có đại diện Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân và một số công chức Vụ Thông tin, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Quang cảnh cuộc họp. |
Tại cuộc họp, bà Hoàng Thị Lan Nhung cho biết, Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Văn phòng Quốc hội cung cấp thông tin về những điểm mới của dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) cho đại biểu Quốc hội kịp thời, trước, trong khoảng thời gian Quốc hội khoá XV tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 2/2025.
Do thời gian truyền thông gấp rút, bà Nhung đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cung cấp thông tin, tài liệu, xây dựng nội dung, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí kịp thời triển khai các hoạt động truyền thông về dự thảo Luật bảo đảm hiệu quả, tạo đồng thuận, nhất là những điểm mới trong dự thảo.
Bà Hoàng Thị Lan Nhung - Vụ trưởng vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội phát biểu tại cuộc họp |
Ghi nhận những đề xuất của Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội, ông Lê Vệ Quốc cho biết, Bộ Tư pháp mong muốn các đơn vị, cơ quan báo chí hỗ trợ truyền thông dự thảo Luật, tập trung vào các điểm mới.
Về đối tượng truyền thông, ông Lê Vệ Quốc cho rằng cần tập trung vào các đại biểu Quốc hội để các đại biểu nắm được tinh thần và các điểm mới của dự thảo Luật, từ đó có những chia sẻ, tạo đồng thuận về dự thảo Luật. Sau đó mới đến đối tượng là các cơ quan ban ngành - những người có vai trò trách nhiệm trong công tác tham mưu, hoạch định chính sách pháp luật.
Ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu tại cuộc họp. |
Về cách thức truyền thông, ông Lê Vệ Quốc nhấn mạnh cần tập trung vào 3 hình thức là: Gửi tài liệu dự án Luật, trong đó có infographic về những điểm mới trong dự thảo Luật cho đại biểu Quốc hội thông qua ứng dụng Quốc hội điện tử (App Quốc hội); xây dựng, phát sóng chuyên mục Quốc hội và cử tri trên VTV1 và truyền thông trên Báo Đại biểu Nhân dân. Ông Lê Vệ Quốc còn trao đổi về thời gian thực hiện, cách thức, tần suất phát sóng để việc truyền thông được hiệu quả.
Góp ý tại cuộc họp, bà Phí Thị Thu Trà, Ban Thời sự (Đài Truyền hình quốc gia VTV) mong muốn Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như đơn vị chủ trì tham mưu soạn thảo dự thảo Luật tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp sớm nhất có thể; giới thiệu, đặt lịch chuyên gia, lãnh đạo Bộ hoặc lãnh đạo cấp Vụ trả lời phỏng vấn và ghi hình kịp tiến độ.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh, để báo chí đi vào đúng trọng tâm tuyên truyền, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cần xác định cụ thể ngay từ đầu những điểm mới của dự thảo Luật cần tập trung tuyên truyền, cũng như xác định báo nào là chủ lực, nội dung nào trong các điểm mới là chủ đạo tuyên truyền…
Bên cạnh đó, để công tác tuyên truyền chất lượng hơn, Vụ Thông tin sẽ xây dựng đề án/kế hoạch cụ thể về việc phối hợp của hai bên trách nhiệm như thế nào (nội dung như thế nào, cần phỏng vấn/mời chuyên gia nào, cần đưa bao nhiêu tin, bài, toạ đàm… cũng như kinh phí cho các cơ quan báo chí thực hiện).
Tại cuộc họp, Giám đốc Thư viện Quốc hội Trịnh Ngọc Cường đề xuất, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Thư viện, đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật gửi cho thư viện danh mục tài liệu có liên quan đến dự thảo Luật, bao gồm tài liệu liên quan đến kinh nghiệm nước ngoài. Hiện tại, Thư viện đang dự thảo danh mục các tài liệu liên quan về dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường, dự kiến trình đồng chí Tổng Thư ký Quốc hội vào sáng mai (5/2), đề nghị Cục sớm gửi để Thư viện đưa vào danh mục trình đồng chí Tổng Thư ký.
Ông Lê Vệ Quốc khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ đáp ứng các yêu cầu được đặt ra trong cuộc họp như chuẩn bị kế hoạch, nội dung, cung cấp thông tin, tài liệu gửi các cơ quan báo chí.