Tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý cho trẻ em

(PLVN) - Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), tập trung thực hiện các vụ việc TGPL cho trẻ em bằng nhiều hình thức như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Nhiều vụ việc nổi cộm mà nạn nhân là trẻ em đã được các Trung tâm TGPL Nhà nước chủ động tiếp cận để cử người thực hiện TGPL.
Trợ giúp viên pháp lý tư vấn, hướng dẫn quy định pháp luật cho các em học sinh.
Trợ giúp viên pháp lý tư vấn, hướng dẫn quy định pháp luật cho các em học sinh.

Số vụ việc TGPL tham gia tố tụng tăng hàng năm

Việc triển khai chính sách pháp luật về trẻ em nói chung, đặc biệt là TGPL cho trẻ em luôn được Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp quan tâm, chú trọng. Bộ Tư pháp luôn chủ động, tích cực chỉ đạo toàn Ngành Tư pháp tập trung thực hiện chính sách pháp luật về TGPL đối với trẻ em, đảm bảo sự thống nhất, kịp thời và thu được nhiều kết quả tích cực.

Theo báo cáo của các địa phương, triển khai Luật TGPL năm 2017, từ năm 2018 – 2022, cả nước có hơn 15 nghìn lượt trẻ em được TGPL, chiếm 10% tổng số người được TGPL; trong đó, số vụ việc được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng hơn 10 nghìn vụ việc, chiếm 13% tổng số vụ việc tham gia tố tụng; gần 5 nghìn vụ việc tư vấn chiếm tỷ lệ 6% tổng số vụ việc tư vấn pháp luật. Như vậy, số lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng cho trẻ em tăng lên hàng năm và chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số vụ việc TGPL cho nhóm đối tượng này.

Nhiều vụ việc nổi cộm được báo chí đưa tin, dư luận xã hội quan tâm mà nạn nhân là trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán đã được Cục TGPL, Bộ Tư pháp kịp thời chỉ đạo các Trung tâm TGPL Nhà nước chủ động tiếp cận để cử người thực hiện TGPL cho các em. Nhiều lập luận của trợ giúp viên pháp lý đã được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận, đánh giá cao trong các vụ việc tham gia tố tụng. Vị trí, vai trò của người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL nói riêng và của hệ thống TGPL được chú trọng, được các cơ quan, tổ chức hữu quan và xã hội ghi nhận.

Trong quá trình thực hiện TGPL cho trẻ, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người thực hiện TGPL còn giúp đỡ, hỗ trợ thêm cho trẻ và gia đình của trẻ khi cần thiết như: hỗ trợ tài chính, cung cấp địa chỉ, thông tin, giới thiệu, chuyển tuyến đến các cơ quan liên quan như cơ quan công an, chính quyền cơ sở, các cơ sở hỗ trợ y tế, sức khỏe, kinh tế, tư vấn và các dịch vụ xã hội khác…

Vẫn còn tâm lý e ngại

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL cho trẻ em thời gian qua còn một số tồn tại và khó khăn do vẫn còn một bộ phận người dân, trong đó có trẻ em và người thân của họ chưa hiểu biết về quyền được TGPL hoặc còn e ngại khi tiếp cận với cơ quan, tổ chức có liên quan, kể cả tổ chức và người thực hiện TGPL.

Thông tin về một số vụ việc xảy ra chưa được chia sẻ kịp thời, đầy đủ nên ảnh hưởng tới việc phát hiện và có những biện pháp hỗ trợ phù hợp, trong đó có việc TGPL. Công tác truyền thông về TGPL cho trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… còn chưa hiệu quả, chưa thu hút được sự quan tâm của trẻ và gia đình trẻ. Một số cán bộ làm công tác hỗ trợ, phối hợp và TGPL vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với trẻ em, đặc biệt là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ bị xâm hại, bị mua bán…

Để khắc phục những vấn đề trên, các Trung tâm TGPL Nhà nước cần tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu và tập trung thực hiện vụ việc TGPL cho trẻ em, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, vụ việc được dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về quyền trẻ em và TGPL cho trẻ em, chú trọng truyền thông về những vụ việc TGPL thành công, tăng cường thực hiện truyền thông điểm hoặc luân phiên về TGPL tại cơ sở để tạo sự lan tỏa.

Đẩy mạnh hoạt động phối hợp TGPL, đặc biệt là TGPL trong tố tụng cho trẻ em; bảo đảm thực hiện hiệu quả phiên tòa trực tuyến và chương trình người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân. Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức thực hiện TGPL với các cơ quan có liên quan, các cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, bảo vệ nạn nhân trẻ em và các cấp chính quyền cơ sở cũng như các đoàn thể xã hội trong hoạt động hỗ trợ và TGPL cho trẻ em.

Cùng với đó cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác TGPL cho trẻ em; bảo đảm nguồn kinh phí và nhân lực phù hợp cho hoạt động TGPL đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng đặc thù, trong đó có đối tượng là trẻ nhỏ, trẻ bị khuyết tật...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tổ chức, hoạt động TGPL và vụ việc giúp pháp lý qua Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL, có kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để bảo đảm khai thác kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến trẻ em.

Đọc thêm