Thời gian qua, tình hình hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh Bạc Liêu nói chung, tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) nói riêng cơ bản ổn định.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên trong những năm vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh Bạc Liêu không có trường hợp tai nạn giao thông đường thủy nội địa nào đáng tiếc xảy ra. Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy của người dân từng bước được nâng cao, nhất là các chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số ít trường hợp vi phạm như: sử dụng kích điện khi đánh bắt thủy sản, neo đậu phương tiện và vận chuyển người không đúng nơi quy định; một số phương tiện chưa được đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện chưa có chứng chỉ chuyên môn…
|
Đông đảo người dân tham dự buổi tuyên truyền pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. |
Từ đầu năm 2024 đến nay, Trạm Cảnh sát đường thủy Gành Hào (địa bàn huyện Đông Hải) đã tổ chức tuần tra, kiểm soát được 371 ca, với 1.132 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; qua đó, phát hiện và xử phạt 33 trường hợp vi phạm, bắt quả tang 1 vụ sử dụng xung kích điện khai thác thủy sản trái phép, vận động giao nộp hàng chục bộ xung kích điện, lập biên bản đình chỉ 3 bến xếp dỡ hàng hóa, 2 bến khách ngang sông, cho làm cam kết đối với 50 bến thủy nội địa.
Trung tá Ngô Việt Mỹ - Trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy Gành Hào (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Tại các buổi tuyên truyền, đơn vị thường xuyên phổ biến, thông tin cho người dân các quy định của pháp luật về hoạt động giao thông đường thủy nội địa như: Luật Giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 139/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản... Đồng thời, hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi khi tham gia giao thông đường thủy nội địa theo quy định; cũng như cảnh báo một số lỗi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa”.
|
Lực lượng Cảnh sát Trạm đường thủy Gành Hào (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bạc Liêu) vận động người dân giao nộp gần 20 bộ xung kích điện. |
Thượng tá Châu Thành Công - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Việc bảo đảm an ninh trật tự các tuyến đường thủy nói chung, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản nói riêng là rất quan trọng. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động tham mưu lãnh đạo các cấp đã triển khai, thực hiện tốt các mặt công tác tuần tra, kiểm soát cũng như tuyên truyền tác hại của hành vi đánh bắt thủy hải sản bằng xung kích điện. Nếu người dân đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện dẫn đến phá hoại nguồn lợi thủy sản gây thiệt hại lớn sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Thông qua công tác tuyên truyền, người dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Qua đó, tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực hoạt động thủy nội địa, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự.