TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết như trên tại hội thảo: “Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS” do Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và PEPFAR tại Việt Nam tổ chức ngày 14/11, tại Hà Nội.
Hội thảo “Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS” được tổ chức để ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức cộng đồng phòng chống HIV/AIDS, huy động sự tham gia của cộng đồng và tổ chức dựa vào cộng đồng vào các mục tiêu kiểm soát dịch HIV/AIDS.
TS. Hoàng Đình Cảnh cho hay, số lượng người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục tăng qua các năm. Ở Việt Nam hiện có 131.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV, hơn 52.000 người đang được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, mỗi năm xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu người, hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm...
Một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 là Việt Nam nằm trong nhóm các nước thực hiện hiệu quả nhất trên thế giới, đã điều trị ức chế tải lượng virus HIV ở mức không phát hiện được.
Việt Nam cũng đang quyết liệt triển khai chiến dịch truyền thông trên quy mô lớn "K=K", nghĩa là người nhiễm HIV, uống thuốc ARV hằng ngày đến mức đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục.
Chương trình "K=K" (không phát hiện = không lây truyền) là phát hiện quan trọng giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Bằng chứng khoa học này giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, có được những kết quả trên là nhờ có sự tham gia mạnh mẽ từ các tổ chức dựa vào cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS. Bởi nếu chỉ để hệ thống y tế công làm vai trò này sẽ không thể tiếp cận hiệu quả với nhiều đối tượng, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ước tính ở Việt Nam, các tổ chức xã hội đã đóng góp từ 20-50% trong số các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Ông Mark P. Troper , Giám đốc điều phối PEPFAR - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ghi nhận những đóng góp của các tổ chức cộng đồng cho chương trình phòng chống HIV/AIDS. Ông Troper bày tỏ sự ấn tượng về cách thức tổ chức, chia sẻ trách nhiệm, cùng chung tay hướng tới mục tiêu là kiểm soát dịch và cải thiện chất lượng cuộc sống của những người chịu ảnh hưởng bởi HIV.
Các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội ngoài vai trò cung cấp các dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển các đối tượng đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ thích hợp hay chăm sóc tại nhà. Thời gian gần đây, các tổ chức xã hội còn cấp các dịch vụ khác như tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá.