Tăng giá điện, mong dân đồng thuận

Tại phiên thường kỳ tháng 6 (diễn ra trong hai ngày 2-3/7 tại Hà Nội với sự tham gia họp trực tuyến của lãnh đạo UBND 63 tỉnh, TP trực thuộc TƯ), Chính phủ khẳng định, “những mục tiêu lớn cơ bản đều đạt bước tiến tích cực, vững chắc về vi mô”.

Tại phiên thường kỳ tháng 6 (diễn ra trong hai ngày 2-3/7 tại Hà Nội với sự tham gia họp trực tuyến của lãnh đạo UBND 63 tỉnh, TP trực thuộc TƯ), Chính phủ khẳng định, “những mục tiêu lớn cơ bản đều đạt bước tiến tích cực, vững chắc về vi mô”.

Ảnh minh họa

Kết quả khá toàn diện, đúng hướng

Thảo luận về tình hình KT-XH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2012, tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 13/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị, tình hình KT-XH đã đạt kết quả khá toàn diện, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra trên tất cả các mặt. Tăng trưởng kinh tế cả nước có tín hiệu khả quan. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm và thấp nhất trong nhiều năm qua…

“Nếu không có đột biến thì CPI năm 2012 chỉ khoảng 5-6%. Cơ sở để điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức “1 con số” (có thể xuống mức 7-8%) là “hoàn toàn trong tầm tay” và phát triển kinh tế ở mức 6%. Đồng thời, cũng tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm. Các chỉ số khác cũng được các thiết chế tài chính quốc tế đánh giá cao” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam khẳng định.

Lãnh đạo 63 UBND tỉnh, TP đồng tình với kết quả phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và khẳng định, bằng nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, tình hình KT-XH của các địa phương cũng diễn biến theo chiều hướng tích cực, góp phần vào kết quả chung của cả nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ không hài lòng với những gì đã đạt được, mà xác định còn nhiều khó khăn trước mắt như tăng trưởng sản xuất kinh doanh thấp hơn trước (bằng 46% mức tăng cùng kỳ năm 2011), sự khó khăn trong hoạt động của các DN, lãi suất vẫn cao, thu chi ngân sách Nhà nước đạt thấp (bằng 42,8% dự toán), các vấn đề an sinh xã hội vẫn còn tồn tại…

Do đó trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ xác định tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục kiềm ché lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững, bảo đảm an sinh xã hội…

Mong dân đồng thuận với tăng giá điện

Đối với quyết định tăng giá điện từ 1/7, bà Nguyễn Thị Minh (Thứ trưởng Bộ Tài chính) khẳng định, việc điều chỉnh tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều kinh tế - xã hội vì đối với các lĩnh vực tiêu thụ điện năng lớn, chi phí tiền điện chiếm 10% giá thành thì chi phí cũng chỉ tăng 0,5% khi giá điện tăng, nhưng nếu DN điều chỉnh thời gian sử dụng điện thì mức tăng sẽ không đáng kể.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, theo định hướng lâu dài, 1 số mặt hàng có giá điện, phải đưa về cơ chế thị trường. Hiện giá điện vẫn bán dưới giá thành gây ra nhiều hệ lụy, nhất là có nhiều ngành sản xuất tiêu thụ sản lượng điện thì vô hình chung dẫn đến lãng phí. Nếu hạch toán đầy đủ giá điện thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ công bằng hơn. Tuy nhiên cần có lộ trình, đảm bảo các yêu cầu: công khai, minh bạch (giá, lỗ, lãi, lý do điều chỉnh), đúng theo qui định của pháp luật; tăng nhưng không làm ảnh hưởng đến người nghèo, người khó khăn và những đối tượng chính sách, nếu có khó khăn phải có chính sách bù giá.

Dựa trên 3 nguyên tắc đó, ngành điện đã điều chỉnh tăng giá điện và có ảnh hưởng đến 1 bộ phận nhân dân trong điều kiện kinh tế khó khăn. Bộ trưởng bày tỏ, “Chính phủ chia sẻ nhưng mong muốn người dân nhìn vào mục tiêu lớn để đồng thuận với chính sách. Chính phủ đã có ý kiến với Bộ Công thương và ngành điện rút kinh nghiệm, trước khi thực thi chính sách cần có công tác tuyên truyền để người dẫn sẵn sàng”.

Lập cơ quan ngang Bộ chuyên quản…DNNN?

Về trách nhiệm của cá nhân và tập thể lãnh đạo EVN liên quan đến đầu tư cho Cty viễn thông điện lực, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, theo báo cáo của Bộ Công Thương, Chính phủ nhận thấy, tập thể lãnh đạo và 1 số cá nhân lãnh đạo trực tiếp của EVN phải chịu trách nhiệm nên yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành những qui trình cần thiết về xử lý kỷ luật cán bộ theo hướng nghiêm minh, đúng mức độ vi phạm, trách nhiệm để người bị kỷ luật và những người khác nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Hiện các cơ quan liên quan đến công tác cán bộ (Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương và EVN) đang triển khai thực hiện quyết định này.

Bộ trưởng cũng cho biết, để tăng cường quản lý vốn và hoạt động của các DNNN (Tập đoàn, TCty 90, 91), Nghị định 132 được sửa đổi theo hướng qui định các DNNN chỉ tập trung vào những ngành, nghề kinh doanh chính. Những đầu tư ngoài ngành nghề, nhất là những lĩnh vực “nhiều rủi ro” như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… phải thoái vốn; qui định rõ trách nhiệm bảo tồn vốn đầu tư của Nhà nước tại DN của Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Tài chính và DN, đặc biệt qui định trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành trong định hướng kinh doanh và tham gia vào các khâu trong bổ nhiệm cán bộ của DNNN… Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ KH&ĐT nghiên cứu về việc thành lập cơ quan ngang Bộ chuyên quản các DNNN. Trước khi có kết quả, vẫn tăng cường trách nhiệm Bộ quản lý chuyên ngành và Bộ Tài chính đối với hoạt động của DNNN.

Hương Giang

Đọc thêm