Tại hội nghị này, lực lượng Công an TP Đà Nẵng được tặng 10 máy đo nồng độ cồn nhãn hiệu Alcolizer LE5 do hãng taxi Grab tài trợ, trị giá 300 triệu đồng, nâng tổng số máy đo nồng độ cồn của lực lượng này lên con số 45 máy.
Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, Công an TP Đà Nẵng xác định việc tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định nồng độ cồn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảm bảo ATGT trong giai đoạn hiện nay.
Còn theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách, UBATGTQG, thống kê cho thấy, có tới 70% số vụ tai nạn có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, gây thiệt hại kinh tế lên tới 250 tỷ đồng/ngày và khoảng 2,9% GDP/năm. Trước tình hình này, Chính phủ đã xác định tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảm bảo TTATGT trong giai đoạn hiện nay.
“Tôi tin tưởng rằng nỗ lực của chính quyền các cấp, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng sẽ tạo được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn Đà Nẵng nhằm thực hiện hiệu quả những giải pháp phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định nồng độ cồn.
UBATGTQG đánh giá cao những đóng góp thiết thực của các doanh nghiệp, đặc biệt của Grab Việt Nam trong việc thực hiện mô hình thí điểm “Nhà hàng an toàn giao thông- Lái xe văn minh trách nhiệm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề đã uống rượu bia không lái xe”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Khuất Việt Hùng cũng nói thêm: “Ngoài việc thông tin cho người tham gia giao thông biết: “Đã uống rượu bia- không lái xe”, còn phải để họ hiểu rằng “Nếu uống rượu, bia mà lái xe thì chắc chắn sẽ bị phạt, thậm chí phạt nặng”.