Tăng mức phạt hành chính về giao thông đường thủy nội địa

 Đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, mức phạt cao nhất lên đến 10 triệu đồng (quy định cũ là 2 triệu đồng); vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa khi khai thác, nuôi trồng thủy sản mức phạt cao nhất lên đến 3 triệu đồng (cũ là 2 triệu đồng)…

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2011. So với Nghị định 09/2005/NĐ- CP (được thay thế), Nghị định lần này đã có nhiều điểm mới, nhất là tăng mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt.

Cụ thể, đối với hành vi vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, mức phạt cao nhất lên đến 10 triệu đồng (quy định cũ là 2 triệu đồng); vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa khi khai thác, nuôi trồng thủy sản mức phạt cao nhất lên đến 3 triệu đồng (cũ là 2 triệu đồng); Vi phạm quy định về báo hiệu đường thủy nội địa mức cao nhất 4 triệu đồng (tăng so với quy định cũ 1 triệu đồng)…

gaerg
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, thẩm quyền xử phạt của người có thẩm quyền cũng được tăng lên phù hợp với các quy định về tăng mức xử phạt vi phạm hành chính của từng hành vi. Chẳng hạn, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã tăng lên đến 2 triệu đồng (cũ 500.000 đồng); Chủ tịch UBND cấp huyện, thẩm quyền xử phạt đến 30 triệu đồng (cũ 20 triệu đồng), Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt đến 40.000.000 đồng…

Siết lại quy định về đảm bảo an toàn cho hành khách

Theo quy định, phương tiện thủy nội địa nếu có hành vi không trang bị một trong các loại thiết bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, neo đậu, liên kết phương tiện theo quy định sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Một trong những điểm mới của Nghị định 60/2011/NĐ-CP đó là đã  quy định mức phạt cụ thể đối với hành vi chở vượt quá sức chở người của phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Theo đó, phạt tiền từ 10.000-20.000 đồng trên mỗi người chở vượt quá số người được phép chở, nếu chở vượt đến 20% số người được phép chở; phạt tiền từ 20.000-30.000 đồng trên mỗi người chở vượt quá số người được phép chở, nếu chở vượt trên 20%-30% số người được phép chở; phạt tiền từ 30.000-50.000 đồng trên mỗi người chở vượt quá số người được phép chở, nếu chở vượt trên 50% số người được phép chở.

Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: điều khiển phương tiện lạng lách gây mất an toàn; điều khiển phương tiện chạy tạo sóng lớn gây tổn hại đến công trình giao thông; điều khiển phương tiện chạy với tốc độ lớn gây mất an toàn cho phương tiện khác.

Trong số các nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn đường thủy thương tâm trong thời gian vừa qua đó là hành vi điều động người không có bằng lái điều khiển phương tiện, phương tiện quá cũ nát hoặc đã hết hạn sử dụng. Nghị định lần này đã có những chế tài cụ thể với các hành vi này.

Đặc biệt, với hành vi giao người không đủ sức khỏe, không đủ tuổi hoặc quá tuổi theo quy định đảm nhận các chức danh thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền phó, máy phó; thuyền viên không phải là thuyền trưởng mà trực tiếp điều khiển phương tiện khi qua cầu, âu tàu, ra, vào cảng, bến thủy nội địa hoặc trong các trường hợp khác theo quy định thuyền trưởng phải trực tiếp điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn cũng bị phạt

Nếu vi phạm quy định về trách nhiệm khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý theo khung chế tài sau: phạt tiền đến 100.000 đồng đối với hành vi không báo kịp thời cho cơ quan Công an hoặc UBND địa phương nơi gần nhất khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Chế tài sẽ tăng lên  đến 200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian triệu tập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với hành vi vi không dừng phương tiện khi nhận được tín hiệu kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mức phạt tăng đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: cố tình không dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát theo lệnh của người có thẩm quyền; có hành vi hối lộ người thi hành công cụ để trốn tránh việc xử phạt vi phạm hành chính...

Cũng theo Nghị định 60, phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: không bảo vệ hoặc làm thay đổi dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng liên quan đến tại nạn; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện cứu nạn; gây mất trật tự, cản trở việc cứu nạn, xử lý tai nạn; lợi dụng tai nạn xảy ra để xâm phạm tài sản, phương tiện bị nạn (quy định cũ phạt từ 200.000-500.000 đồng). Đối với hành vi gây tai nạn mà bỏ trốn sẽ phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 2-3 triệu đồng).

Ngoài xử phạt bằng tiền, Nghị định 60 còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc chứng chỉ hành nghề khác; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng không đúng quy định; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra...

Đông Quang

Đọc thêm