Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tiến hành để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ QH.
Theo bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH, Nghị quyết 1140/2016/UBTVQH13 đã đưa ra số lượng ĐBQH khóa XIV ở Trung ương là 198 đại biểu, bằng 39,6%.
Trong đó, cơ cấu, thành phần được dự kiến phân bổ là: Các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của QH (ĐBQH chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu, trong đó dự kiến khoảng 20% đại biểu là phụ nữ và khoảng 10% đại biểu là người dân tộc thiểu số; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu, phấn đấu có đại biểu là phụ nữ và đại biểu là người dân tộc thiểu số.
Bộ Quốc phòng (gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các quân khu, quân chủng) 15 đại biểu, phấn đấu có đại biểu là người dân tộc thiểu số; Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an) 3 đại biểu; TANDTC 1 đại biểu; VKSNDTC 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên 31 đại biểu, trong đó có đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), đại biểu tôn giáo, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử và nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Như vậy, theo Nghị quyết này, ĐBQH khóa XIV ở Trung ương tăng 15 người so với khóa XIII (khóa XIII là 183 đại biểu). Đáng chú ý, số tăng này đều là ĐBQH chuyên trách để góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH.
Số lượng ĐBQH ở các cơ quan Trung ương khác không thay đổi so với khóa XIII.
Tại hội nghị, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có nhiều ý kiến liên quan đến dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng bầu ĐBQH khóa XIV. Hầu hết các đại biểu cho rằng cần bảo đảm yêu cầu cao nhất là tiêu chuẩn ĐBQH, tránh tình trạng được bầu đúng thành phần nhưng cả nhiệm kỳ không có tiếng nói nào.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị phải bảo đảm danh sách bầu cử ĐBQH có số dư ở cả Trung ương và địa phương, mở rộng số lượng là người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, nhân sĩ trí thức tiêu biểu.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu ghi nhận các ý kiến của các đại biểu và cho biết việc tăng cường số lượng ĐBQH chuyên trách ở Trung ương và địa phương, giảm ĐBQH từ các cơ quan hành chính ở địa phương sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tính toán. Về tỉ lệ nữ, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, ít nhất 35% người ứng cử là nữ để bảo đảm 30% ĐBQH là nữ.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII cơ bản đồng tình số lượng, thành phần ĐBQH ở Trung ương là 198. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn thì nên tăng số lượng người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, bảo đảm tỉ lệ đại biểu nữ, phân bổ đại biểu tôn giáo phù hợp.
Về ý kiến tăng ĐBQH chuyên trách, giảm đại diện cơ quan hành pháp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tiếp tục bàn thảo kỹ.
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ gửi biên bản đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ QH ngay trong ngày 17/2.
Sau khi nhận được văn bản điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ QH về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản thông báo đến các cơ quan, đơn vị Trung ương để tiến hành giới thiệu người ứng cử trong thời gian từ 24/2-10/3.
Việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, HĐND được tổ chức trong khoảng thời gian ngày 16-18/3. Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND được tổ chức ngày 20/3-12/4.
Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 được tổ chức trong khoảng thời gian ngày 13-17/4.