Tăng thuế thuốc lá sẽ giúp giảm tiêu thụ thuốc lá?

(PLO) - Thuốc lá có quá nhiều tác hại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đó là điều ai cũng rõ. Nhưng xử lý thế nào để hạn chế tối đa tác hại của thuốc lá, thì đến giờ vẫn chưa có biện pháp triệt để. Kết hợp giữa tuyên truyền phòng chống và sự mạnh tay của luật pháp có lẽ là phương pháp hữu hiệu để hạn chế hậu quả của thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ths. BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada phát biểu tại Hội thảo
Ths. BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada phát biểu tại Hội thảo

Thuốc là đi đôi với đói nghèo bất công!

Đó là ý kiến của Ths. BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada tại Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại thuốc lá và truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá diễn ra vào ngày 19/4 tại TPHCM do Bộ Y tế tổ chức. Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, thuốc lá gây ra tử vong, bệnh tật và tàn phá phi lý. Mỗi năm, thuốc lá giết khoảng 6 triệu người trên thế giới, trong đó có 5 triệu người là do chủ động hút, số còn lại chết vì hút thuốc thụ động.

Tại Việt Nam, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới với gần 28% tổng số ca tử vong ở nam giới trên 35 tuổi từ các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc. Một điều đáng lưu ý, theo nghiên cứu, thuốc lá tác động lên người nghèo nhiều hơn người giàu. Nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỉ lệ hút thuốc ở người nghèo cao hơn các nhóm khác, đồng thời người có trình độ học vấn thấp lại hút thuốc nhiều hơn.  

Một trong những hệ lụy lớn của thuốc lá là lãng phí nguồn lực khan hiếm và gia tăng đói nghèo, lý do là việc hút thuốc lá gây bệnh dẫn đến chi phí cao, người hút mất năng suất lao động, gây suy thoái môi trường. Việc mỗi một thành viên trong gia đình hút thuốc đồng nghĩa với việc giảm chi phí sống, thu nhập thấp đi, tăng bệnh tật, giảm sức lao động…

Một con số khổng lồ được đưa ra tại hội nghị cho thấy, trong năm 2015, người Việt Nam chi mua 31.000 tỷ VND cho thuốc lá, tương đương với 2,4 triệu tấn gạo đủ nuôi sống 1,3 triệu người trong 1 năm. Đồng thời, tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá là 24.000 tỷ VND, tương đương với 1% GDP năm 2014.

Một số nguyên nhân được chỉ ra cho tình trạng thuốc lá gia tăng tiêu thụ, khó bị ngăn ngừa đó là sự ảnh hưởng bới các chiến lược tiếp thị sai trái. Đồng thời, giá thuốc lá vẫn còn khá rẻ ở mức chấp nhận được cũng là một nguyên nhân khiến người nghèo, thanh thiếu niên chọn sử dụng thuốc lá. 

Tăng thuế thuốc lá sao cho hợp lý?

Tại Hội thảo, một vấn đề được các chuyên gia đặt ra và bàn luận, là câu chuyện tăng thuế thuốc lá. Theo Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức WHO tại Việt Nam thì kinh nghiệm từ việc tăng thuế, tăng giá thuốc đã cho thấy, khi giá thuốc tăng 10%, mức tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm xuống xấp xỉ 5%. Đây là mức giảm chung, nhưng nếu tính về đối tượng có thu nhập thấp hơn là người nghèo và trẻ em thì khi giá thuốc tăng 10%, mức giảm tiêu thụ thuốc sẽ là 10%. Việc tăng thuế thuốc là không chỉ làm giảm mức tiêu thụ thuốc, giảm các hệ lụy do thuốc lá gây ra mà còn giúp tăng nguồn thu cho Chính phủ.

Theo dõi các số liệu từ những lần tăng thuế thuốc lá vào các năm  2008 và 2016 cho thấy, doanh thu thuế đều tăng trong các năm nói trên. Thu thuế thuốc là tăng thêm 1000 tỉ trong lần tăng thuế năm 2008 là khoảng 1250 tỷ trong lần tăng năm 2016. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, mức tăng này không được cho là cao do mức tăng thuế khá khiên tốn.

Một vấn đề khác là tăng thuế có làm giảm tiêu dùng thuốc lá, tuy nhiên do thu nhập tăng liên tục nhớ tăng trưởng kinh tế nên mức tiêu thụ chỉ giảm trong thời gian ngắn sau đó lại tăng thêm, do đó, nhiều kiến nghị cho rằng thuế nên tăng đều qua các năm để đảm bảo theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Mức thuế thuốc lá hiện nay của Việt Nam còn khá thấp (khoảng 35,6% giá bán lẻ). WHO khuyến cáo, thuế thuốc lá Việt Nam nên tiếp tục tăng sao cho thuế chiếm hơn 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ.

Theo đại diện Bộ Y tế, mục tiêu chiến lược quốc gia phòng chống thuốc là đến năm 2020 là giảm tỉ lệ hút thuốc lá trong nam giới xuống 39%, thanh thiếu niên xuống 18% năm 2020. Có hai phương án được đề xuất nhằm tăng thuế thuốc lá. Phương án thứ nhất là cần tăng đủ cao sao cho có thể tác động làm giảm 3% tỉ lệ hút thuốc vào năm 2020. Quy định cụ thể là từ 1/1 năm 2020, bên cạnh biểu thuế hiện hạnh, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2000 đồng/bao. 

Tuy nhiên, hiện nay giá thuế thuốc lá Việt Nam còn thấp, vì vậy các chuyên gia cũng đề xuất thêm một phương án tối ưu là nên cân nhắc 1 mức thuế cao hơn nữa, cần áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 5000 đồng/bao kể từ thời điểm 1/1/2020.

Đọc thêm