Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống: Lo ngại nhiều hệ lụy từ rượu, bia bất hợp pháp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống sẽ tạo điều kiện cho đồ uống, đặc biệt là rượu bia bất hợp pháp có đất sống…
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống: Lo ngại nhiều hệ lụy từ rượu, bia bất hợp pháp

Cú sốc lớn…

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) với ngành đồ uống”

Theo Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế đối với rượu, bia.

- Đối với rượu từ 20 độ trở lên, phương án 1 năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 70% (tăng 5% so với hiện hành), mỗi năm tăng 5% đến năm 2030 là 90%, phương án 2, năm 2026, điều chỉnh thuế suất lên 80% (tăng 15% so với hiện hành), mỗi năm tăng 5% đến năm 2030 là 100%;

- Đối với rượu từ dưới 20 độ, phương án 1 năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 40% (tăng 5% so với hiện hành), mỗi năm tăng 5% đến năm 2030 là 60%, phương án 2, năm 2026, điều chỉnh thuế suất lên 50% (tăng 15% so với hiện hành), mỗi năm tăng 5% đến năm 2030 là 70%.

- Đối với bia, sự thay đổi về thuế suất và lộ trình giống như đối với rượu trên 20 độ. Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2.

Dự thảo lần này mở rộng diện chịu thuế TTĐB đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100 ml có thuế suất 10%.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Luật thuế, đặc biệt là thuế TTĐB đối với các ngành hàng. Trong đó, ngành đồ uống chịu tác động trực tiếp và lớn nhất khi Dự thảo tăng thuế đối với mặt hàng rượu, bia; và việc mở rộng việc áp thuế với mặt hàng nước giải khát có đường.

“Đa số doanh nghiệp (DN) đồng tình với việc thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng trên cơ sở việc đánh thuế phải xác đáng và có lộ trình, phù hợp với thực tiễn…” - Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA mức thuế và lộ trình tăng thuế mà dự thảo đưa ra là một cú sốc rất lớn, không những tác động lớn, trực tiếp tới các DN ngành hàng sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát mà còn tác động tới chuỗi ngành hàng liên quan, tới lao động, an sinh xã hội… Đáng ngại, thay vì hành vi điều tiết tiêu dùng, việc đánh thuế cao khiến cho người dân quay ra sử dụng sản phẩm không đảm bảo, trôi nổi trên thị trường…

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, từ khi có Luật thuế TTĐB đầu tiên (năm 1990) đến nay đã qua 34 năm thực hiện thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu bia đã có nhiều thay đổi cho thấy tính chất điều tiết, đặc trưng của Luật thuế TTĐB.

“Tuy nhiên đánh thuế cao có điều tiết được tiêu dùng không? Người ta sẽ tìm đến rượu trong dân mà nguồn rượu này không bao giờ cạn, trong khi chất lượng không kiểm soát được, họ cho cồn công nghiệp, đạm vào rất nguy hiểm…” - bà Cúc lo ngại.

DN ngành đồ uống đã khó lại thêm khó... (Ảnh minh họa)

DN ngành đồ uống đã khó lại thêm khó... (Ảnh minh họa)

Trên 60% rượu không quản lý được…

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) - Tổng cục QLTT thừa nhận, có đến trên 60% là rượu không quản lý được (rượu nhập lậu, rượu trong dân).

Đại diện Tổng cục QLTT cũng chỉ ra một loạt bất cập và sự không công bằng giữa rượu bia hợp phát và bất hợp pháp. Trong khi rượu bia hợp pháp phải chịu sự quản lý của rất nhiều luật thì rượu bia bất hợp pháp thì không, đặc biệt rượu bia bất hợp pháp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân (ngộ độc, bệnh cấp tính và mãn tính, tử vong…); Ảnh hưởng doanh thu, lợi nhuận của DN hợp pháp; Ảnh hưởng môi trường kinh doanh; Tổn thất kinh tế, thất thu ngân sách nhà nước (NSNN)…

“Rõ ràng khi tăng thuế đối với rượu bia hợp pháp dẫn đề giá thành tăng cao, người ta tìm đến rượu bia trôi nổi, không những mục đích điều tiết tiêu dùng không đặt được mà NSNN cũng thất thu…” - PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế phân tích.

Ông cũng lưu ý, nguyên tắc của việc đánh thuế cần phải cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu. “Với việc đánh thuế như dự thảo, rõ ràng những người sản xuất rượu bia bất hợp pháp sẽ được hưởng lợi…” - chuyên gia Long quả quyết.

Có đến hơn 60% rượu không quản lý được. (Ảnh minh họa)

Có đến hơn 60% rượu không quản lý được. (Ảnh minh họa)

Thuế chỉ là một là giải pháp

“Rút cục mục đích của việc tăng thuế lần này là gì?” - TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia băn khoăn.

Chuyên gia lưu ý một số điểm nên cân nhắc, đánh giá. Đó là những mặt hàng đưa vào đối tượng chịu thuế cần làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và đặc thù của Việt Nam (như nước giải khát có đường…); Đánh giá tác động NSNN và các mặt khác cần đa chiều hơn, cả trước mắt và lâu dài...

Cùng với đó, cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi (tránh hiện tượng “khó chồng khó”, nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng thứ khác có tác hại nhiều hơn…);

Để đảm bảo công bằng và hợp lý hơn, TS Cấn Văn Lực đề xuất nên áp thuế suất theo nồng độ cồn, hàm lượng đường…, tránh cào bằng; Về phương pháp tính thuế, nên xem xét cả phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp thay vì chỉ tính thuế tương đối;

Đặc biệt cần đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp như: Bảo vệ các sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, trốn thuế, hàng nhái - hàng giả; Nâng cao nhận thức, ý thức của cả người dân và DN; Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý thuế, chính quyền địa phương…

Chuyên gia cũng lưu ý, cần tăng chi NSNN cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là đối với thế hệ trẻ về lối sống lành mạnh, dinh dưỡng cân bằng, thể dục - thể thao…; Rà soát đảm bảo đồng bộ, nhất quán với các Luật liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế GTGT, Luật Quảng cáo, Luật Chất lượng sản phẩm - hàng hóa, Luật Bảo vệ môi trường…

DN đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

DN đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Bà Nguyễn Thanh Thùy Linh - Giám đốc pháp chế và tuân thủ, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam chia sẻ, Carlsberg Việt Nam là DN 100% vốn nước ngoài, DN đã có mặt ở Việt Nam 30 năm và luôn xem Việt Nam là thị trường tiềm năng.

DN này đề xuất việc tăng thuế cần có kế hoạch, lộ trình ít nhất từ 2- 3 năm để các DN có kế hoạch sản xuất sản phẩm phù hợp. DN và người tiêu dùng có thời gian điều chỉnh hành vi thay vì sử dụng sản phẩm không chính thống. Đặc biệt, sau mỗi lần điều chỉnh cần có sự tổng kết, đánh giá…

Đọc thêm