Đánh giá 6 năm thực hiện Chương trình phát triển VLXKN theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc thông tin: Hiện vẫn có địa phương chưa thực sự quan tâm đến Chương trình, hoặc chưa có giải pháp cụ thể hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
Điển hình tại tỉnh Bình Thuận, địa phương sẵn có nguồn nguyên liệu để sản xuất VLXKN và đã có nhà đầu tư sản xuất, tuy vậy đến thời điểm hiện tại UBND tỉnh vẫn có văn bản xin lùi thời gian thực hiện Thông tư 09/2012 về Quy định gạch không nung trong các công trình xây dựng. Hay tỉnh Bến Tre chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra sự cố nứt tường khi xây bằng VLXKN từng làm dư luận xôn xao, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho thay đổi VLXKN bằng vật liệu nung.
Tuy nhiên, bên cạnh đó lại xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực. Thống kê cho thấy, đến nay đã có 55 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch xóa bỏ lò thủ công thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển VLXKN và hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
Đặc biệt, Bắc Ninh, Hải Dương, TP HCM là những tỉnh, thành phố đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đã chủ động hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, phát triển nhiều sản phẩm VLXKN đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm VLXKN.
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Nguyễn Minh Thái cho biết, từ năm 2013 – 2016, thành phố đã có 806 dự án, công trình thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng VLXKN, trong đó có 163 dự án đã sử dụng. Ngoài chú trọng việc tuyên truyền, thành phố đã quan tâm giải quyết vấn đề trong cả 3 khâu từ sản xuất – kinh doanh – xây dựng; đồng thời có chính sách hỗ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.
Có điều, vấn đề phát triển VLXKN không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện chính sách, văn bản mà còn nhiều vấn đề liên quan khác từ việc sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng giáo trình, đưa vào các cơ sở đào tạo về các loại vật liệu mới, đặc biệt là kiên quyết xử lý các cơ sở sử dụng gạch nung, ảnh hưởng đến môi trường…
Do vậy, từ góc độ quản lý nhà nước, Vụ Vật liệu xây dựng đang đề xuất thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, trong đó có các điều khoản quy định xử phạt vi phạm khi không tuân thủ quy định về sử dụng VLXKN trong hoạt động xây dựng.
Cụ thể, dự kiến phạt tiền từ 70 – 80 triệu đồng đối với hành vi phê duyệt thiết kế, dự toán không tuân thủ quy định về sử dụng VLXKN; phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi không tuân thủ quy định về sử dụng VLXKN; phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng về hành vi không đưa vào thiết kế VLXKN đối với công trình bắt buộc sử dụng VLXKN, không đảm bảo tỷ lệ VLXKN theo quy định hoặc không tuân thủ các quy định về sử dụng vật liệu cho công trình…
Các mức phạt này tăng thêm khoảng 10 triệu đồng so với mức phạt hiện hành.