Hà Nội khó xóa lò gạch cải tiến, lò vòng vì vướng 20 nghìn nhân công?

(PLO) - Mặc dù Thủ tướng đã có Chỉ thị, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD về việc sử dụng vật liệu xây không nung nhưng việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung còn gặp rất nhiều khó khăn do vướng trên 20.000 lao động.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Thủ tướng cũng có Chỉ thị về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư về việc sử dụng vật liệu xây không nung… nhưng Hà Nội vẫn khó xóa sổ lò gạch nung chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel và vẫn tiếp tục gia hạn cho phép hoạt động.

Mới đây, Sở Xây dựng vừa đề nghị UBND TP cho phép một công ty duy trì hoạt động sản xuất gạch tại khu vực hồ Đồng Rắn, thôn Thượng, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn. Theo Sở này, vị trí sản xuất gạch của Công ty hiện nay nằm cách xa khu dân cư hơn 1.000m, tồn tại từ năm 1994 đã được UBND huyện cho phép sử dụng khối lượng đất đào dư thừa từ cải tạo hồ Đồng Rắn để sản xuất gạch nung tại chỗ. Công ty đang sản xuất gạch nung bằng hệ thống lò vòng cải tiến có ống khói cao, công suất khoảng 12 triệu viên/năm.

Công ty đề xuất được kéo dài thời gian sản xuất đến năm 2019 để thu hồi một phần vốn đã đầu tư và giải quyết đời sống, chuyển đổi việc làm cho người lao động. Công văn cho biết thêm, sản xuất gạch sử dụng nhiều lao động chưa có phương án chuyển đổi việc làm và phương án sử dụng phần đất này nếu phá dỡ cơ sở sản xuất, dễ để hoang hóa.

Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn thành phố đã xóa bỏ toàn bộ 1.751 lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, chỉ còn tồn tại các dạng lò: Lò cải tiến (116 lò) các loại, tổng công suất khoảng 350 triệu viên/năm; lò vòng (lò hofnan) (59 lò) các loại, tổng công suất khoảng 500 triệu viên/năm; nhà máy gạch tuynel đang hoạt động (34 nhà máy), tổng công suất khoảng 680 triệu viên/năm. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 9 cơ sở sản xuất gạch không nung quy mô công nghiệp, tổng công suất khoảng 145 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây trên địa bàn thành phố đến năm 2020 khoảng 6,75 tỷ viên.

“Đến nay, mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD về việc sử dụng vật liệu xây không nung nhưng việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để giải quyết việc làm cho khoảng trên 20.000 người lao động sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công trước đây, đáp ứng nguồn cung vật liệu xây của thành phố, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP chỉ đạo UBND các huyện còn tồn tại các loại lò cải tiến, lò vòng thực hiện lộ trình UBND thành phố đã đề xuất với Bộ Xây dựng tại văn bản nêu trên. Hoàn thành việc ngừng hoạt động của các loại lò vòng, lò cải tiến trước ngày 31/12/2020; giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở sản xuất đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan, không để phát sinh mới các loại lò vòng, lò cải tiến”, công văn đề nghị.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 6199/UBND-ĐT cho ý kiến về hoạt động chung của các lò gạch thủ công, lò gạch nung theo công nghệ không khói trên địa bàn thành phố, giao Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, báo cáo kết quả hoạt động của các lò gạch; phân loại, đánh giá, mức độ ảnh hưởng, mức độ gây ô nhiễm; đề xuất cụ thể những giải pháp để thực hiện (đề xuất để tồn tại, gia hạn hoặc phải phá dỡ theo quy định) và kế hoạch xóa bỏ, báo cáo trong tháng 11/2016 để thống nhất hướng giải quyết.

Đọc thêm