Tăng tốc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững: Không còn thời gian để 'chần chừ'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) mà Việt Nam cam kết tại Chương trình nghị sự 2030 cho đến nay mới có 4 mục tiêu hoàn thành, đáng ngại có 2 mục tiêu đang thụt lùi. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam không còn thời gian để “chần chừ”…
Tăng tốc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững: Không còn thời gian để 'chần chừ'

Còn nhiều thách thức

Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên Hợp quốc (LHQ) thông qua vào tháng 9/2015 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR), tức báo cáo về lộ trình thực hiện SDGs, vào năm 2018. Năm 2023 Việt Nam tiếp tục đăng ký trình bày VNR lần thứ 2 cùng với 41 quốc gia khác trên thế giới.

Tại Hội thảo tham vấn VNR của Việt Nam do Bộ KH&ĐT tổ chức cuối tuần qua, bà Phạm Mỹ Hằng Phương, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn thực hiện báo cáo VNR cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể gồm 4 mục tiêu đạt tiến triển tốt: Không còn nghèo (mục tiêu 1); Nước sạch và vệ sinh môi trường (mục tiêu 6); Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng (mục tiêu 9); Giảm bất bình đẳng (mục tiêu 10).

Cụ thể, Việt Nam đã giảm nghèo với tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% xuống còn 3,6% trong giai đoạn 2016 - 2022. Cung cấp nước sạch cho 98,1% dân số và nhà tiêu hợp vệ sinh cho 95,6% dân số. Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ đã dẫn đến những cải thiện ấn tượng trong phát triển công nghiệp, tăng cường đổi mới và xây dựng cơ sở hạ tầng. “Nếu Việt Nam giữ tốc độ tiến bộ như vậy trong những năm còn lại thì sẽ đạt được hầu hết các chỉ số vào năm 2030” - bà Phương nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những mục tiêu tiến triển tốt, báo cáo cũng cho biết Việt Nam có 2 mục tiêu đang bị tụt lùi, đó là Năng lượng sạch và giá cả phải chăng (mục tiêu 7) và Sự sống trên cạn (mục tiêu 15).

Tại Hội thảo, Quyền Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara nhận định, kể từ khi có kế hoạch hành động Chương trình nghị sự 2030, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, ngoài 2 mục tiêu đang thụt lùi (số 7 và 15), đại diện LHQ lưu ý, những phân tích cho thấy các mục tiêu số 2, 3, 4, 5… đang có nguy cơ không đạt được. Còn mục tiêu số 13, 16, 17 thì không có số liệu theo dõi để biết Việt Nam đang tiến triển như thế nào…

Cũng theo bà Naomi Kitahara, hiện rất nhiều quốc gia trong khu vực cũng rơi vào tình trạng tương tự như Việt Nam, không có số liệu để báo cáo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu SDGs đã đưa ra.

Bà Naomi Kitahara lưu ý, VNR không phải cái đích mà là công cụ huy động được các nguồn lực và sự đồng thuận xã hội cho SDGs. Ngoài xây dựng báo cáo VNR, Việt Nam cần có thêm những hoạt động cụ thể khác để sớm đạt được mục tiêu.

Tăng tốc

Để đảm bảo thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, bên cạnh duy trì tốc độ thực hiện các mục tiêu đã đạt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu chưa đạt. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu lưu ý Việt Nam cũng cần tăng tốc trong mở rộng quan hệ đối tác để thúc đẩy thực hiện SDGs, nhất là tập trung vào việc huy động thêm nguồn lực tài chính (mục tiêu 17).

“Việt Nam cần giải quyết các ưu tiên để đẩy nhanh tiến bộ trong thực hiện SDGs, trong đó ưu tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ phục hồi sau COVID-19. Trong số đó, việc huy động các nguồn tài chính bổ sung và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính hiện có cho SDG là một ưu tiên quan trọng” - bà Phạm Mỹ Hằng Phương, đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Bên cạnh đầu tư vào nguồn nhân lực, đổi mới, số hoá để cải thiện năng suất. Việt Nam cũng cần ưu tiên nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khả năng chống chịu với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu theo cam kết phát thải ròng bằng 0. Thúc đẩy cải cách hành chính công, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống hành chính để giải quyết các “nút thắt” về thể chế cho tăng trưởng bao trùm trong những năm tới.

Đặc biệt, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đạt được SDGs cho các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là người nghèo và dân tộc thiểu số. Cải thiện tính sẵn có của dữ liệu để đánh giá tiến độ đạt được SDGs, việc thực hiện những ưu tiên này rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc đạt được SDGs vào năm 2030.

Cho ý kiến về dự thảo VNR và đề xuất các lĩnh vực ưu tiên trong triển khai thực hiện SDG tới đây, nhiều ý kiến tại Hội thảo đều khẳng định, chỉ còn 7 năm để Việt Nam hoàn thành SDGs vào năm 2030, do đó không còn nhiều thời gian để “chần chừ”, thay vào đó Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm để thực hiện mục tiêu.

Đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã sử dụng các nguồn dữ liệu sáng tạo, dựa trên phân tích chuyên sâu và huy động nhiều bên tham gia vào quá trình xây dựng Báo cáo VNR, đại diện LHQ tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara, chỉ ra rằng chỉ riêng đầu tư vào bảo trợ xã hội và chuyển đổi năng lượng thôi cũng có thể đẩy nhanh tiến độ của SDGs: “LHQ ước tính rằng mỗi đồng đầu tư vào an sinh xã hội có thể tạo ra nhiều hơn một đồng GDP, đảm bảo mang lại lợi ích kinh tế - xã hội lớn hơn, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau” - bà Naomi Kitahara nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng và thực hiện các hành động tiếp theo để đẩy nhanh việc đạt được SDGs sau khi VNR được hoàn thành.

Đọc thêm