Nguyên nhân của mọi hành vi tham nhũng đều xuất phát từ các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống. Vì thế, việc phòng, chống tham nhũng gắn liền với phòng chống tiêu cực là cách xử lý toàn diện, vừa mang tính khoa học, vừa bám sát thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Việc làm cần thiết, phù hợp
Đó là nhận định của các chuyên gia với Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 16/9.
So với quy định trước đây (Quy định 211-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII) thì Quy định 32-QĐ/TW đã bổ sung thêm nhiệm vụ “chống tiêu cực” cho BCĐ. Theo đó, ngoài chỉ đạo công tác PCTN thì BCĐ còn có nhiệm vụ phòng chống tiêu cực; trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị cả nước.
Ngoài ra, cơ quan này còn trực tiếp chỉ đạo các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ…
Trước đó, khi chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ Trung ương về PCTN”, diễn ra ngày 10/9, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh: Tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực. Do đó, công tác PCTN phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Tổng Bí thư nêu rõ, không chỉ đấu tranh PCTN trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai điều này có liên quan đến nhau; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị quyết định sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ Trung ương về PCTN để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh PCTN, tiêu cực quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi và sự tin tưởng của nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng.
Theo Tổng Bí thư, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… vẫn còn diễn biến phức tạp. Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân cơ bản là do công tác phòng chống tiêu cực tuy đã được quan tâm chỉ đạo nhưng còn phân tán, thiếu tính tập trung; chưa gắn kết chặt chẽ giữa PCTN với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ để chỉ đạo PCTN và tiêu cực là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.
Nhất trí cao với việc làm này, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, hành vi tham nhũng bước đầu cũng từ những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức, tư tưởng... Vì vậy, nếu làm tốt công tác chống tiêu cực trong đời sống, Nhà nước sẽ có tác động trở lại rất tích cực đối với cuộc đấu tranh PCTN. “Chống những biểu hiện này ngay từ đầu sẽ góp phần giảm bớt các hành vi tham nhũng. Không phải chờ đến lúc xảy ra các vụ án tham nhũng mới đấu tranh, phòng chống”, GS.TS Đường nhấn mạnh.
GS.TS Đường cũng khẳng định, việc bổ sung thêm nhiệm vụ chống tiêu cực cho BCĐ là một việc làm rất phù hợp mà lâu nay BCĐ cũng đã làm. Khi mở rộng thêm nhiệm vụ, quyền hạn thì trách nhiệm của BCĐ càng nặng nề hơn, đòi hỏi sự chỉ đạo phải nhanh nhạy, kịp thời hơn. “Tham nhũng thường biểu hiện ở chỗ mất mát, hư hao tài sản của Nhà nước, có thể qua công tác điều tra sẽ thấy rõ ràng hơn. Còn những biểu hiện của tiêu cực rất tinh vi, đa dạng dưới nhiều hình thức, do vậy BCĐ phải rất sát sao, vừa chỉ đạo việc khắc phục, vừa tổng kết đúc rút kinh nghiệm, đề ra những biện pháp xử lý phù hợp, từ đó tiếp tục chỉ đạo và làm bài học cho các ban chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương thực hiện”, GS.TS Đường kiến nghị.
Đi đến tận cùng của vấn đề
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc chỉ đạo công tác PCTN, nhiều năm qua, BCĐ cũng chỉ đạo các vụ việc, vụ án liên quan đến tiêu cực. “Vì vậy việc bổ sung nhiệm vụ này nhằm chính quy hóa việc BCĐ đã làm từ trước đến nay”, ông Quyền nói.
Trên thực tế, công tác chỉ đạo PCTN của Đảng và Nhà nước ta theo phương châm vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm trên cơ sở thực tiễn để từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật. Qua việc vừa chỉ đạo án tham nhũng, vừa chỉ đạo các vụ việc, vụ án tiêu cực trong thời gian qua đã cho thấy đây là việc làm cần thiết và cần được chính quy hóa một cách cụ thể để bảo đảm thẩm quyền, trách nhiệm của BCĐ rõ ràng và minh bạch hơn; đồng thời đảm bảo cho chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước được cụ thể hơn. Bởi càng minh bạch bao nhiêu thì chỉ đạo càng trúng bấy nhiêu.
“Để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, trước hết hệ thống pháp luật cần rõ ràng, cụ thể nhằm bịt kín các “kẽ hở”. Qua thực tiễn đấu tranh PCTN thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn không ít hạn chế, nhất là trong tổ chức bộ máy và vai trò của người đứng đầu… Những vấn đề này đã được đề cập trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, nhưng chưa được cụ thể hóa. Bây giờ chúng ta phải có các thiết chế cụ thể để phát huy tốt vai trò của các cơ quan có chức năng PCTN, nhất là BCĐ Trung ương về PCTN. Bởi vậy, tôi cho rằng việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho BCĐ là rất thiết thực”, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XI, XII chia sẻ.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, biểu hiện nguy hiểm nhất của tiêu cực chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, từ đó dẫn đến hành vi tham nhũng. Do đó, việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho BCĐ hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng hiện nay, đó là chỉnh đốn Đảng từ khâu chính trị, đạo đức, tư tưởng và hành động, như thế công tác lãnh đạo mới có chiều sâu và thực sự có tính toàn diện.
Bên cạnh đó, vì chức năng, nhiệm vụ của BCĐ là phòng chống tiêu cực ở những vụ việc lớn mà ở đó có những người không tham nhũng nhưng vì hành vi tiêu cực của họ dẫn đến chỗ tạo điều kiện cho tham nhũng, cho các vi phạm pháp luật khác nảy sinh. “Cho nên chúng ta có thể xử lý được tất cả những đối tượng tham gia vào quá trình đó, kể cả những người không tham nhũng nhưng có tiêu cực. Như thế việc xử lý của Đảng mới khách quan, toàn diện, mới đi đến tận cùng của vấn đề, tránh tình trạng “đánh rắn giữa khúc” mà bỏ quên những hành vi tiêu cực lớn nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng mà không được xử lý”, ông Nhưỡng nói.
“Nguồn gốc sâu xa của tham nhũng là do sự thoái hóa, biến chất của những cán bộ có chức, có quyền. Vì vậy, để ngăn chặn được tham nhũng phải đi từ gốc, tức là làm cho cán bộ, đảng viên phải thực sự liêm chính, chí công vô tư; phải phấn đấu để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao, tránh việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, vun vén cho cá nhân. Tôi rất đồng tình và ủng hộ việc bổ sung nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho BCĐ. Việc làm này vừa mang tính khoa học sâu sắc, vừa mang tính thực tiễn cao. Có thể coi đây là một phát kiến, một nhận thức rất sát thực tế của Trung ương trong cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực đang rất quyết liệt và ngày càng đi vào chiều sâu”.
(Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XI, XII)