Khắc phục cơ bản những hạn chế trong nhiệm kỳ trước
Ngày 28/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) ban hành Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. So với Quy định 30-QĐ/TW của BCH TƯ khóa XII, Quy định 22 đã được bổ sung, sửa đổi một số nội dung quan trọng để cụ thể hoá Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các nghị quyết, chỉ thị, quy định… của TƯ về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng; theo hướng tăng cường trách nhiệm, đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Từ việc đổi mới đó sẽ làm tiền đề để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy định, quy trình về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, bảo đảm khách quan, thống nhất, khả thi.
Theo ông Trần Đức Thắng, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ), việc xây dựng Quy định 22 xuất phát từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của các nhiệm kỳ trước, nhất là kinh nghiệm trong nhiệm kỳ XII; từ kiến nghị, đề xuất của cấp ủy các cấp và bám sát nội dung chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của TƯ trong giai đoạn hiện nay. Quy định 22 đã khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc khi triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ XII, đồng thời đảm bảo việc kỷ luật đảng nghiêm minh, kịp thời, chính xác.
Một trong những nội dung quan trọng trong Quy định 22 là bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền cho UBKT được kỷ luật tổ chức đảng. Theo đó, UBKT các cấp được “quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới”. Nhiều chuyên gia đánh giá, quy định này là nội dung mới rất quan trọng để UBKT các cấp có thể chủ động, kịp thời hơn, quyết liệt hơn, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó trong giai đoạn hiện nay.
Trước đây, do chưa có quy định về thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng nên trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện, kết luận tổ chức đảng có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì UBKTTƯ phải chuyển vụ việc để cấp ủy quản lý thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật.
|
Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ. |
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đảng thực hiện quy trình xử lý kỷ luật theo kết luận của UBKT còn có nhiều bất cập, như việc xử lý kỷ luật không kịp thời, để kéo dài; đối tượng vi phạm không bám sát kết luận của UBKT để kiểm điểm; kết quả bỏ phiếu kỷ luật không tập trung, bị phân tán do nể nang, bè phái, tính chiến đấu của đảng viên, tổ chức đảng tham gia quy trình xử lý kỷ luật không cao dẫn đến hình thức kỷ luật không tương xứng với lỗi vi phạm, gây bức xúc trong quần chúng, đảng viên…
Những hạn chế, bất cập này cũng đã xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ của UBKT các cấp.
Đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời
Ông Thắng khẳng định, việc Quy định 22 bổ sung thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới cho UBKT các cấp sẽ giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên. Khi thực hiện quy trình kiểm tra đối với tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới, nếu kết luận có vi phạm của tổ chức đảng đến mức phải xem xét kỷ luật thì đoàn kiểm tra sẽ báo cáo UBKT quyết định xử lý kỷ luật theo thẩm quyền mà không phải chuyển hồ sơ cho tổ chức đảng quản lý xem xét xử lý kỷ luật.
“Quy định này sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng, đảm bảo thực hiện đúng phương châm của kỷ luật đảng là công minh, chính xác, kịp thời”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, BCHTƯ giao thêm thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới cho UBKT các cấp cũng là yêu cầu, đòi hỏi UBKT cần phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong việc bảo vệ đường lối, tư tưởng, quan điểm, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, “xứng đáng là thanh bảo kiếm của Đảng”.
Căn cứ Quy định số 22, mới đây, tại Kỳ họp thứ năm của UBKTTƯ (từ 2-4/8/2021), cơ quan này đã quyết định và đề nghị thi hành kỷ luật với các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, trong đó quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với một số tổ chức đảng cấp dưới cấp trực thuộc Thành ủy Hà Nội và Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020.
Bày tỏ “rất tán thành” và “hoan nghênh BCHTƯ, Bộ Chính trị giao thêm thẩm quyền cho UBKT các cấp xử lý các tổ chức đảng sai phạm”, ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước đây các tổ chức đảng sai phạm thẩm quyền xử lý thuộc Ban Thường vụ cấp ủy, UBKT chỉ xử lý cá nhân. Nhưng nếu UBKT đã làm việc xong, đã có biểu quyết mà phải xin ý kiến của Ban Thường vụ cấp ủy thì việc xử lý sẽ không kịp thời.
Vì vậy, nay giao quyền xử lý cho UBKT là rất kịp thời; vai trò, trách nhiệm của UBKT các cấp cũng được nâng cao. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn những con người thực sự xứng đáng, tiêu biểu, có phẩm chất trung thực, khách quan để đảm bảo việc xử lý thực sự công tâm. “Làm được điều này, tôi tin tưởng công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) của chúng ta từ đây trở về sau sẽ đi vào nền nếp và ngăn chặn kịp thời những hành vi sai phạm xảy ra”, ông Hòa nói.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Cuông (nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khóa XI, XII) nhận định, là cơ quan trực tiếp kiểm tra, xác minh vụ việc, UBKT sẽ nắm chắc tính chất, mức độ sai phạm, đồng thời có kinh nghiệm để xử lý chính xác, kịp thời. Còn các cơ quan khác, do không xem xét, xác minh vụ việc một cách cụ thể, mà có thể chỉ nghe báo cáo, dẫn đến việc xử lý sẽ thiếu khách quan.
Thậm chí, trong quá trình kiểm tra, có thể có sự can thiệp của các cơ quan và người có trách nhiệm khác, từ đó sẽ làm “méo mó” kết quả kiểm tra, giám sát. Cho nên, giao quyền cho UBKT xử lý các vụ việc sau khi họ đã kiểm tra, xác minh là việc làm cần thiết.
“Cứ mạnh dạn giao thêm thẩm quyền xử lý, vừa để sát thực tế khách quan, vừa đề cao vai trò của cơ quan thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật của đảng; tạo nên hiệu lực, hiệu quả cao trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây cũng là chủ trương mà Đảng ta đang đẩy mạnh về phân cấp, phân quyền. Trong kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng, chúng ta cũng phải thực hiện tốt phân cấp, phân quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu”, ông Cuông nhận xét.
“Để đảm bảo hiệu quả của công tác PCTN, phải tăng cường kiểm soát quyền lực. Do đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của UBKTTƯ với việc xử lý các cấp ủy đảng liên quan đến PCTN chính là việc tăng cường, hoàn thiện thiết chế về kiểm soát quyền lực từ phương diện chính trị của Đảng”.
(ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Tư pháp của Quốc hội)