Mức tăng này chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện trong thời tiết nắng nóng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011.
Bình quân 9 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 9 tháng giảm 0,72% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Trong mức tăng 0,12% của CPI tháng 9/2020 so với tháng trước, có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất.
Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thực phẩm; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm giao thông; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình và nhóm bưu chính viễn thông.
Những yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 9 tháng năm 2020 đó là giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm; nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19...
CPI quý 3/2020 tăng 0,92% so với quý trước và tăng 3,18% so với cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 9, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng giảm do các nhà đầu tư bán ra chốt lãi sau thời gian giá vàng tăng mạnh, nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn so với các dự đoán sau khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chỉ số đồng USD tăng lên so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 9/2020 giảm 0,33% so với tháng trước; tăng 32,37% so với tháng 12/2019 và tăng 30,33% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2020 giảm 0,05% so với tháng trước; tăng 0,12% so với tháng 12/2019 và giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.