Tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và đối tác châu Mỹ nhờ các FTA

(PLVN) - Tại Hội nghị Tham tán Thương mại và Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam khu vực châu Mỹ diễn ra sáng 18/11 (giờ địa phương), ở thành phố Rio de Janeiro (Brazil), Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh thông tin, dù kinh tế Việt Nam chịu tác động từ các biến động của kinh tế thế giới nhưng hợp tác thương mại, đầu tư với các đối tác châu Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực nhờ “đòn bẩy” từ các Hiệp định thương mại tự do FTA.
10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Mỹ đạt hơn 136,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023.
10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Mỹ đạt hơn 136,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại khu vực châu Mỹ, Việt Nam đã ký kết 2 thỏa thuận thương mại tự do là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (Canada, Mexico, Peru và Chile là thành viên) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile.

Bên cạnh các FTA, Việt Nam đã ký kết một số thỏa thuận thương mại với các đối tác thuộc khu vực châu Mỹ như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba.

Trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Mỹ đạt hơn 136,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu đạt hơn 114,9 tỷ USD, tăng 22,3%; nhập khẩu từ châu Mỹ đạt 21,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. Thặng dư thương mại đạt 93,3 tỷ USD.

Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh nhận định, các FTA và những thỏa thuận hợp tác trên đã có hiệu lực và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đối tác khu vực châu Mỹ.

Về hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam với các nước châu Mỹ lấy lại đà tăng trưởng mạnh, đạt hơn 114,9 tỷ USD, tăng 22,3%. Hoa Kỳ, các nước thành viên CPTPP và Khối MERCOSUR tiếp tục là những đối tác nhập khẩu nhiều hàng hóa Việt Nam nhất, lần lượt đạt 98,7 tỷ USD (tăng 24,6%); 11,3 tỷ USD (tăng 15,4%) và 2,8 tỷ USD (giảm 9,3%).

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực châu Mỹ trong năm 2023 đạt 23,1 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2022. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ đạt 13,8 tỷ USD (giảm 4,5%), Khối MERCOSUR đạt 7,3 tỷ USD (giảm 16,9%), các nước thành viên CPTPP đạt 1,8 tỷ USD (giảm 10,8%)...

Trong 10 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu từ châu Mỹ đạt 21,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. Hoa Kỳ, Khối MERCOSUR và các nước thành viên CPTPP tiếp tục là những đối tác quan trọng với kim ngạch lần lượt đạt 12,2 tỷ USD (tăng 7,9%); 7,4 tỷ USD (tăng 20,9%) và 1,8 tỷ USD (tăng 15,3%).

Dù thương mại Việt Nam với châu Mỹ đạt được những kết quả tăng trưởng ấn tượng, song theo Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh, giai đoạn 2022-2024 là những năm khó khăn đối với trao đổi thương mại của Việt Nam với thế giới nói chung và với khu vực châu Mỹ nói riêng. Bên cạnh những tác động chung từ tình hình thế giới, bản thân khu vực châu Mỹ cũng xuất hiện nhiều biến động lớn. Yếu tố bất định của khu vực châu Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới và qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới đà tăng trưởng thương mại của Việt Nam với khu vực này.

Ông Tạ Hoàng Linh cho biết thêm, bên cạnh những yếu tố khách quan từ những biến động trên thế giới, bản thân nền kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam với khu vực châu Mỹ vẫn đang tồn tại một số hạn chế:

Thứ nhất, trao đổi thương mại với châu Mỹ đặc biệt nhạy cảm trước những biến động của nền kinh tế thế giới. Theo đó, biên độ sụt giảm kim ngạch thương mại với châu Mỹ trong năm 2023, đặc biệt là chiều xuất khẩu, cao hơn đáng kể so với mức giảm trung bình của cả nước. Tới năm 2024, biên độ tăng trưởng thương mại với châu Mỹ cũng tăng nhanh hơn mức trung bình cả nước.

Thứ hai, mặc dù Việt Nam xuất siêu rất mạnh sang các thị trường châu Mỹ (91,3 tỷ USD trong năm 2023) nhưng kết quả này chủ yếu đến từ trao đổi thương mại với Hoa Kỳ (83,2 tỷ USD). Một số thị trường quan trọng ghi nhận mức nhập siêu lớn của Việt Nam như Brazil (2,2 tỷ USD) và Argentina (1,49 tỷ USD).

Thứ ba, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang châu Mỹ chủ yếu tập trung vào các mặt hàng có vốn đầu tư FDI cao như điện thoại, linh kiện điện tử, máy vi tính, phương tiện vận tải và phụ tùng, dệt may và giày dép. Sự thiếu đa dạng trong cơ cấu xuất khẩu đặc biệt nghiêm trọng tại các thị trường vừa và nhỏ, cá biệt một số mặt hàng có thể vượt quá 50%.

Thứ tư, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu tập trung vào những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada, Mexico hay Brazil, trong khi thiếu hụt thông tin về các thị trường tiềm năng còn lại như Peru, Colombia, hay Trung Mỹ.

Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp trong nước thường trở nên bị động khi gặp khó khăn tại một thị trường trọng điểm và khó có thể chuyển hướng dòng xuất khẩu sang các thị trường khác. Đặc điểm này cũng khiến trên thực tế nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất OEM để xuất khẩu sang các thị trường châu Mỹ chứ chưa tận dụng được tối đa tiềm năng thị trường.

Để nâng cao hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác châu Mỹ trong thời gian tới, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cần đặt trọng tâm ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng chính sách phát triển thị trường, khai thác tốt các cơ chế đối thoại và hợp tác song phương như Ủy ban Liên chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Hội đồng thương mại... nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại song phương.

Đồng thời, tập trung toàn lực để thúc đẩy xuất khẩu, dành ưu tiên cao cho các nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến, thủy sản và những mặt hàng mà các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam đang sản xuất, kinh doanh; dành ưu tiên cao cho việc đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm các thị trường mới, các thị trường ngách cho hàng hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tiếp tục thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng tích cực; chú trọng các phân khúc thị trường mà hàng Việt Nam chưa có chỗ đứng hoặc mới chiếm thị phần nhỏ; đặc biệt lưu ý các thị trường mà Việt Nam đang có thâm hụt thương mại lớn, kéo dài nhiều năm để đề xuất các giải pháp phù hợp giúp tăng dần xuất khẩu, kiểm soát hợp lý nhập khẩu, tiến tới cân bằng thương mại tại các thị trường này.

Đọc thêm