Thông tin tại Hội nghị Kết nối ngân hàng (NH) - doanh nghiệp (DN), trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định, với nhiều nỗ lực, tăng trưởng tín dụng (TTTD) chung toàn quốc đã có chuyển biến, tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, so với định hướng TTTD cả năm 2023 khoảng 14 -15% đưa ra từ đầu năm, thì đây vẫn là mức thấp và tăng chậm hơn năm ngoái.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nếu như năm 2022, TTTD đạt gần 16%, cao hơn mức TTTD chung, thì 9 tháng đầu năm con số này chỉ là 4,51%, thấp hơn mức TTTD toàn ngành (5,56%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%).
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng cho biết, đây là lần thứ 7 trong năm DN tham gia Hội nghị đối thoại. Bà Vinh chia sẻ, vừa rồi có DN FDI vào và cam kết sẽ mang theo nguồn vốn lãi suất thấp, tuy nhiên BIDV Chi nhánh Thái Nguyên đã cam kết và cung ứng nguồn vốn cạnh tranh cho DN. Đó là điều DN rất tự hào.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, DN rất mong sự đồng hành thiết thực của NH. Kể về trường hợp một DN sau khi được NH tư vấn trả hết nợ để NH cho vay mới theo Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng khi DN thực hiện song, NH nói “không được hội sở phê duyệt”, bà Vinh cho rằng DN cần chính sách ổn định lâu dài, việc điều chỉnh ngắn hạn, không ổn định khiến cho DN rất sợ, nhất là DN sản xuất.
Theo bà Vinh, cải cách thủ tục hành chính đang chậm hơn so với sự phát triển thực tế của nền kinh tế. “Sự chồng chéo của các Luật, nhiều bộ luật đang sửa đổi, nên vấn đề pháp lý với các dự án đầu tư đang là khó khăn của DN…” - đại diện cộng đồng DN Thái Nguyên phản ảnh.
Theo các DN, NHNN 4 lần giảm lãi suất rất nhanh, lãi suất huy động giảm đến 2%/năm nhưng lãi suất cho vay giảm rất chậm, chỉ từ 0,5 - 1%/năm. Trong khi khối NH đã áp dụng công nghệ 4.0, thì sự bắt kịp của nhóm DNNVV đặc biệt là nhóm DN do phụ nữ làm chủ đang rất khó theo kịp. “Sự “vênh” nhau này khiến cho DN và NH chưa gặp nhau. Vì vậy, DN mong muốn NH thực sự đồng hành, hỗ trợ DN tiếp cận, chuyển đổi công nghệ để có thể tương tác trên cùng một “hệ” thì mới tìm được tiếng nói chung khi tiếp cận tín dụng… Cũng theo đại diện cộng đồng DN Thái Nguyên, DN cũng rất cần sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn giữa các nhóm DN FDI, DN lớn và DNNVV, đồng thời cho rằng DNNVV càng cần được ưu tiên hơn…
Là DN có dự án đầu tư ở vùng kinh tế khó khăn, ông Vũ Văn Biên - Giám đốc Công ty CaC03 Quang Sơn đề nghị các chính sách ưu đãi sớm được triển khai. “8km đường ở vùng đặc biệt khó khăn bằng 100km đường ở ngoài, chúng tôi đầu tư cũng đã cân nhắc nhưng khi thực hiện phát sinh khó khăn. Chính sách của Chính phủ đã có, trong đó DN triển khai dự án được vay với tỷ lệ cao, nhưng đâu đó còn vướng thủ tục mà chúng tôi chưa tiếp cận. Rất mong được tháo gỡ...” - DN này đề nghị.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên, ông Bùi Sỹ Dân, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương chia sẻ, đã có trường hợp DN chuyển sang vay cá nhân để bớt thủ tục. Theo DN này, ngân hàng cần linh hoạt hơn nữa trong thủ tục vay vốn, đồng thời kéo dài thời gian đáo hạn…
Ghi nhận các ý kiến, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định, với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng và DN cả nước nói chung.