Tăng cường giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội

(PLVN) -Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, mặc dù công tác giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế, khó khăn.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An.

Đưa Chỉ thị của Đảng đi sâu vào cuộc sống

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, trong những năm qua, Ban Kinh tế đã thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo đối với tín dụng chính sách xã hội.

Nội dung giám sát tập trung vào các nhiệm vụ Ban Bí thư đề ra trong Chỉ thị số 40-CT/TW. Cụ thể là Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; Nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; Tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Qua hoạt động giám sát thường xuyên và kết quả sơ kết 5 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện được tăng cường; tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, số lượt người được vay vốn tín dụng ngày càng nhiều; chất lượng tín dụng được nâng cao; hạn chế nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 318.278 tỷ đồng, tăng 183.605 tỷ đồng, gấp 2,36 lần so với cuối năm 2014 (thời điểm ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 34.527 tỷ đồng, chiếm 10,8%/tổng nguồn vốn, tăng 30.509 tỷ đồng.

Việc điều tra, rà soát, xác định bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách được thực hiện thường xuyên, cơ bản, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, xử lý nợ quá hạn ngày càng được chú trọng, đặc biệt là những nơi có chất lượng tín dụng thấp, nợ quá hạn cao. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sử dụng vốn hiệu quả được xây dựng và nhân rộng.

Tính đến ngày 30/6, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 174.974 tỷ đồng so với cuối năm 2014 có hơn 6,6 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10% và trong 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tổng doanh số cho vay đạt 605.167 tỷ đồng. Đây là những kết quả rất cụ thể việc thực hiện triển khai tín dụng chính sách xã hội.

Vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước và trong đó tập trung ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển…“Đây là kết quả rất rõ ràng của việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ mà Chỉ thị số 40 đặt ra”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nói.

Cần phát huy tối đa vai trò công tác giám sát

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc. (Ảnh: Báo Nghệ An).

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc. (Ảnh: Báo Nghệ An).

Tuy nhiên, qua giám sát thực tế, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, chính sách tín dụng chưa tính đến các đối tượng có nhu cầu vay vốn ở một số chương trình tín dụng. Chính sách có thời hạn cho vay, mức cho vay chưa phù hợp với thực tế. Chu kỳ phát triển của một số cây trồng, vật nuôi thì dài ngày nhưng lại cho vay ngắn hạn.

Bên cạnh đó, nguồn vốn có thời hạn dài trên 5 năm chiếm 41,8%, nguồn vốn ngắn hạn chiếm 58,2%, nguồn vốn do NHNN cấp chiếm tỷ trọng thấp (14,3%), tức là ngân sách nhà nước cấp cho tín dụng chính sách chưa đạt so với nhu cầu.

“Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh một số năm gần đây tối đa chỉ được phát hành bằng nghĩa vụ trả nợ thì trái phiếu đến hạn. Điều này gây khó khăn cho phát triển của tín dụng chính sách ở cấp Trung ương, NHCSXH không tận dụng được cơ hội để huy động thêm nguồn vốn giá rẻ, ảnh hưởng đến việc cân đối nguồn vốn cho vay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn hạn chế, thấp hơn bình quân chung trong cả nước” - ông An nhận định.

Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả hơn nữa tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, ông An cho rằng, các cơ quan tham mưu, giúp việc của các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của công tác giám sát đối với việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó có vấn đề thực hiện tín dụng chính sách.

Tiếp theo đó, cần phát huy tối đa trách nhiệm, năng lực của đơn vị chủ trì giám sát; đồng thời, tăng cường phối hợp với các chủ thể giám sát trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh, năng lực, trách nhiệm và kinh nghiệm công tác của cả hệ thống chính trị và nâng cao hiệu lực giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực.

Thêm vào đó, công tác giám sát phải được thực hiện thường xuyên, được đưa vào chương trình, kế hoạch hằng năm, có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Nội dung giám sát phải bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đối tượng giám sát; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực phụ trách và những nội dung do cấp ủy giao.

Việc giám sát phải được thực hiện theo hình thức gián tiếp và trực tiếp, kết hợp giữa nghiên cứu báo cáo, tài liệu với làm việc trực tiếp với đối tượng giám sát để bảo đảm nguyên tắc khách quan, phản ánh đúng thực tế.

Đọc thêm