Tăng trưởng vừa phải để giải quyết các vấn đề xã hội

(PLO) - Hôm qua (22/10), đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trước rất nhiều thách thức và tồn tại mang tính nội tại, không dễ khắc phục “một sớm một chiều”.
Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại Tổ
Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại Tổ
Doanh nghiệp nội “hom hem” trước doanh nghiệp ngoại
Theo báo cáo của Chính phủ, trong tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2015, khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 20,7%, trong khi khu vực DN  trong nước chỉ tăng 9,7%.
Đại biểu Quốc hội (ĐB) Lê Bộ Lĩnh (An Giang) nhận thấy “sự đe dọa đến bền vững của nền kinh tế khi DN trong nước, nhất là DN nhà nước “yếu thế” so với DN FDI” mà nguyên nhân chủ yếu do ứng dụng khoa học công nghệ rất thấp. 
Cùng chung nỗi lo, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) đề nghị Chính phủ giải trình thêm “Chúng ta dựa vào đâu, nội lực hay FDI để phát triển kinh tế. Dựa vào DN FDI để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hay không?”. Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp, chú trọng về chất lượng tăng trưởng gắn với khoa học công nghệ để tăng sức mạnh cho DN “nội” cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa trước sự gia tăng nhanh chóng của các DN FDI.
Các ĐB cũng băn khoăn tình trạng “tiết kiệm chi không thực chất” vì “Đường cần mở 10m nhưng chỉ mở 9m thì không phải là tiết kiệm. Tiết kiệm là từ việc xây dựng dự toán, tiết kiệm thời gian, đảm bảo chất lượng công trình chứ không thể tính những khoản chưa dùng đến là tiết kiệm” – ĐB Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh.
Vẫn canh cánh về nợ công, ĐB Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chia sẻ: “Lần này rất lo khi ngân sách dùng trả nợ hàng năm cao hơn khuyến nghị. Nợ công nhiều nhưng đầu tư công lại không trọng điểm dẫn đến lãng phí”. Dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính rằng “nếu nợ công không vượt quá 60% thì an toàn”, ĐB Vũ Trọng Kim (Quảng Ngãi) chỉ ra hiện nợ công đã quá 60% (61,3%) còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh tài chính quốc gia khiến dư luận bức xúc. 
Đào tạo ồ ạt gây lãng phí nhân lực
Trong phát biểu của Chủ tịch Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 10 và ý kiến cử tri đều đề cập tình hình an ninh trật tự, đạo đức, lối sống có nhiều biểu hiện xuống cấp khiến đời sống nhân dân “rất bất an”, nhưng theo các ĐB đánh giá, Chính phủ đề cập đến vấn đề này rất “mờ nhạt”. “Nếu xã hội không lành mạnh, không ổn định thì phát triển không có ý nghĩa” – Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Võ Thị Dung nhận xét.
Lo lắng trước sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, ĐB Niê Thuật (Đắk Lắk) đề nghị Chính phủ cần quan tâm các vấn đề an sinh xã hội để “thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhưng không cào bằng”. Cùng với đó, một số ĐB rất bức xúc khi nhiều chính sách đầu tư cho “tam nông” chưa thực sự phát huy hiệu quả nên tỷ trọng sản xuất nông nghiệp đang giảm cả sản lượng và giá trị, ảnh hưởng đến đời sống của 70%  dân số.
Nhiều ĐB đề nghị Chính phủ có giải pháp quan tâm đến các chính sách để tiêu thụ nông sản gắn với công nghiệp chế biến và nâng cao chất lượng trong điều kiện cạnh tranh. Các ĐB cho rằng, Nhà nước phải phát huy vai trò định hướng sản xuất, tìm kiếm thị trường thì người nông dân mới thoát cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Quan tâm đến chất lượng lao động, các ĐB nhấn mạnh, đào tạo lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng phải “có địa chỉ, phù hợp với thực tiễn, không thể đào tạo ồ ạt, qua loa cho xong” vì “đào tạo xong lại không có việc làm sẽ  phát sinh các vấn đề xã hội, lãng phí nguồn nhân lực”- các ĐB lưu ý.
Từ đó, nhiều ĐB kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp để chất lượng sống của người dân được nâng lên. Muốn vậy, cần “tăng trưởng vừa phải, có chất lượng để cần giải quyết các vấn đề xã hội” – ĐB Vũ Trọng Kim kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội “đòi” cắt hội họp để tăng lương
Theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), vấn đề đáng lo nhất về ngân sách là nguồn thu chỉ để chi thường xuyên, còn muốn đầu tư đều phải đi vay mà không có dư cho đầu tư, không có tích tụ để phát triển. Vì vậy, vấn đề lớn nhất là tiết giảm chi thường xuyên nên Quốc hội phải quyết cắt chỗ nào. Như không thể đi vay để tăng lương thì nên cắt bớt những khoản tiếp tân, hội họp, kỷ niệm, công du... hàng năm để có nguồn cân đối tăng lương.

Đọc thêm