Còn xa mục tiêu…
Theo kết quả khảo sát của CIEM, các quy định về ĐKKD tuy đã đạt được một số kết quả, chuyển động tích cực nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt. Cụ thể như mục tiêu cắt giảm 1/3 đến 1/2 số ĐKKD hiện hành trong lĩnh vực quản lý của các bộ.
Bộ Công Thương được ví như điểm sáng trong rà soát, bãi bỏ ĐKKD khi trình và Chính phủ ký ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Với Nghị định này, Bộ Công Thương đã đạt mục tiêu đã bãi bỏ, sửa đổi khoảng 1/2 số ĐKKD.
Bộ Xây dựng tuy mới có Dự thảo Nghị định trình Chính phủ nhưng không chỉ đề xuất bãi bỏ ĐKKD mà Bộ này còn đề xuất bãi bỏ ngành nghề kinh doanh. Theo Dự thảo này, Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 05 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; 4 ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Đề xuất bãi bỏ 89 ĐKKD (41,3%); đơn giản hóa 94 ĐKKD (43,7%); giữ nguyên 32 ĐKKD (15%) trong tổng số 215 ĐKKD thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Bộ NN&PTNT, tuy có đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 ĐKKD (gồm bãi bỏ 65 và sửa đổi 53 ĐKKD), chiếm 34,2% trong tổng số 345 ĐKKD thuộc 33 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ nhưng lại chưa có phương án sửa đổi cụ thể đối với các ĐKKD sửa đổi. Khiêm tốn hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng mới đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 51 ĐKKD (đạt 16%), nhưng chưa có phương án sửa đổi cụ thể đối với các ĐKKD sửa đổi.
Một số Bộ khác tuy đã rà soát, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi các ĐKKD và nêu phương án sửa đổi nhưng chưa thống kê số lượng ĐKKD bãi bỏ, ĐKKD sửa đổi (Bộ Tư pháp), hay Bộ Tài chính, tuy đã rà soát, đề xuất bãi bỏ các ĐKKD tại các văn bản cụ thể, nhưng chưa thống kê toàn diện tổng số ĐKKD thuộc phạm vi quản lý của Bộ; số ĐKKD bãi bỏ; số ĐKKD sửa đổi cũng như phương án sửa đổi.
Bộ VH TT&DL cũng mới đề xuất cắt bỏ 03 ngành nghề ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, đề xuất bổ sung ĐKKD đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng chưa có phương án cụ thể, chưa thể hiện kết quả rà soát tổng thể ĐKKD theo từng ngành nghề; chưa thống kê toàn diện tổng số ĐKKD thuộc phạm vi quản lý của Bộ, số ĐKKD bãi bỏ, số ĐKKD sửa đổi.
Đáng chú ý, Bộ LĐTBXH đến nay vẫn chưa thực hiện rà soát chi tiết; chưa thống kê số lượng ĐKKD, cũng không đề xuất bãi bỏ ĐKKD. Bộ này còn đề xuất sửa đổi một số quy định chưa phù hợp với một số luật mới, nhưng không nêu rõ quy định cũng như phương án sửa đổi.
Còn 3 Bộ (gồm GTVT, Y tế, KH&CN) vẫn đang trong quá trình rà soát và chưa có kết quả. Bộ GD& ĐT chưa có báo cáo về rà soát, cải cách ĐKKD theo Nghị quyết của Chính phủ. Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đề nghị giữ nguyên ĐKKD như hiện hành.
Theo Viện trưởng CIEM, tổng hợp chung lại, số ĐKKD bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số ĐKKD hiện hành. “Thậm chí một số bộ còn gộp số bãi bỏ và sửa đổi để đánh giá hoàn thành mục tiêu”- ông Cung cho hay.
Tạo áp lực để hoàn thành mục tiêu
Dự thảo Nghị quyết 19 năm 2018 đang được Bộ KH&ĐT gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung, Nghị quyết 19/2018 vẫn duy trì mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh cải cách ĐKKD và quản lý chuyên ngành; bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và ngành Du lịch để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
EuroCham đề nghị cần có quy định rõ ràng về kỷ luật công vụ
Tại “Hội nghị quốc tế Cải thiện vượt bậc Môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng”, đại diện Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) đã lưu ý: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cần phải nhắm đến cả 2 đối tượng: DN và cơ quan quản lý. “Hiện đã có những quy định khá rõ ràng để xử phạt các DN làm sai, nhưng chưa có những quy định rõ ràng để xử lý các công chức làm sai, tự tiện đưa ra những TTHC không quy định, hoặc cố tình trì hoãn hay không thực hiện các quy định pháp luật để hành DN. Để cải cách TTHC, bên cạnh việc đơn giản hóa TTHC, tăng cường hậu kiểm việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân; rất cần phải xây dựng những quy định hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức rõ ràng, chi tiết, đặc biệt về vấn đề kỷ luật công vụ…”- EuroCham đề nghị.
Cụ thể, theo Viện trưởng CIEM, tại Nghị quyết này, Chính phủ đặt mục tiêu cao, cụ thể nhất có thể; cải cách mạnh mẽ hơn, kết quả đồng đều hơn, tác động thực chất và toàn diện hơn.
Liên quan đến bãi bỏ ĐKKD, Nghị quyết vẫn đưa ra mục tiêu hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số ĐKKD hiện hành ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đồng thời kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thu hẹp Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, lần này yêu cầu đặt ra là phải đồng đều hơn, thiết thực hơn và khác biệt hơn. Muốn vậy, Chính phủ cần phải tạo áp lực hành chính mạnh mẽ hơn.
“Nếu tất cả các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, TP đều “nóng” là yếu tố quyết định để đạt được kết quả đồng đều, toàn diện, đúng mục tiêu như yêu cầu Nghị quyết của Chính phủ...”- ông Cung khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng cần phải tăng cường kỷ cương kỷ luật. “Không chờ các bộ nữa, không thể chờ đợi công chức “nóng” lên trong khi họ đang “lạnh tanh”, phải tăng kỷ cương, có biện pháp kỷ luật ngay người không làm. Không có lý do gì mà người dân phải nộp thuế nuôi những người trong bộ máy cứ ngồi đó mà không chuyển động gây cản trở cho sự phát triển của DN của đất nước”- chuyên gia này đề nghị.
Chủ tịch Hiệp hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, khi DN gặp khó, mấy ai nghĩ ngay rằng khi DN gặp khó đó chính là khó cho nền kinh tế. Khi ban hành chính sách liệu mấy ai lập tức tự hỏi chính sách này sẽ làm khó hơn hay dễ hơn cho DN, khó hơn thì khó cỡ nào?... Đưa ra giải pháp, bà Hạnh nhấn mạnh: “Phải giám sát chính sách và các chỉ đạo mà Chính phủ đã công bố. Phải định rõ thời hạn phải hoàn thành và cần có chế tài, nên chỉ đạo truyền thông tham gia giám sát việc thực hiện”.
Được biết, Dự thảo Nghị quyết 19/2018 cũng đưa ra các mốc thời gian để các bộ hoàn thành việc rà soát, cắt giảm ĐKKD. Cụ thể: Đối với các bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các ĐKKD cụ thể thì hoàn thành việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan trình Chính phủ quý II/2018. Đối với các bộ chưa rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trước tháng 4/2018 và hoàn thành dự thảo Nghị định về bãi bỏ các ĐKKD không còn cần thiết, trình Chính phủ trong quý II/2018…
Hiệp hội Logistics:
Chính sách đúng nhưng không duy trì ổn định thành “bẫy” doanh nghiệp
Trong gần 3 năm qua, ngành Vận tải đường bộ rơi vào trạng thái dư cung nghiêm trọng khiến cho giá cước vận tải hàng hóa bằng ô tô giảm khoảng 30% so với giữa năm 2014, bình quân giảm khoảng 1%/tháng. Đây là lý do khiến cho ngành không có được sự phát triển bền vững, rất nhiều DN đang lao đao vì những khó khăn tài chính, thậm chí phá sản. Hiện có khoảng 1/6 tổng lượng phương tiện vận tải container tại Hải Phòng dừng khai thác để cắt lỗ.
Lâu nay chúng ta nói nhiều đến sự cần thiết của việc sửa đổi chính sách cũ và ban hành chính sách mới vì đòi hỏi của thực tiễn. Nhưng câu chuyện của ngành Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô là vấn đề thực thi chính sách.
Năm 2014, Bộ GTVT thực hiện việc siết chặt tải trọng với quyết tâm chấm dứt tình trạng vi phạm tải trọng trong vận tải hàng hóa đường bộ. Để thực hiện chủ trương đúng đắn này, Bộ GTVT đã tăng mức xử phạt hành vi chở quá tải trọng, thành lập các trạm kiểm soát tải trọng liên ngành ở khắp nơi. Kết quả là đã cơ bản dẹp được nạn chở quá tải trọng cho phép. Trong bối cảnh đó, các DN vận tải buộc phải đầu tư phương tiện để tuân thủ quy định và đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi hàng hóa được chuyên chở đúng tải trọng của xe, lượng hàng hóa trước kia chỉ cần một xe, nay phải dùng 2-3 xe.
Tất cả các DN vận tải làm ăn chân chính đều vui mừng với sự thay đổi này. Trong giai đoạn đó, lượng xe tăng lên rất nhiều để tuân thủ quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, theo thời gian thì việc kiểm soát tải trọng đã không còn được quan tâm như năm 2014-2015 nữa. Kéo theo đó là việc chở quá tải trọng quay lại ngày càng nhiều. Tình trạng chở hàng quá tải trọng tăng bao nhiêu thì gây ra tình trạng dư cung trên thị trường nghiêm trọng bấy nhiêu và hậu quả là giá cước vận tải giảm như đã đề cập ở trên. Các DN vận tải hàng hóa bằng ô tô hiện đang bị mắc kẹt giữa các khoản đầu tư đã được thực hiện trong giai đoạn 2014-2016 trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng và tình hình kiểm soát tải trọng hiện nay.
Thị trường vận tải hàng hóa bằng xe ô tô suy giảm thời gian qua có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng chính là sự thực thi chính sách không liên tục và hiệu quả. Đây là ví dụ về việc môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng không nhỏ bởi hiệu lực hiệu quả của quá trình thực thi chính sách chứ không chỉ bởi việc xây dựng và ban hành chính sách. Nếu một chính sách đúng đắn nhưng không được duy trì ổn định liên tục và không dự đoán được thế này thì lại thành cái bẫy đối với các DN…