Theo dõi công tác THADS của TP Hồ Chí Minh cho thấy, thời gian qua thành phố có nhiều sáng kiến, dường như việc chủ động trong tìm kiếm các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác luôn là trăn trở của lãnh đạo Cục?
- Năm 2016 tổng số việc phải thi hành của toàn thành phố là 97.640 việc chiếm tỷ lệ 13% của cả nước, tăng 7.369 việc (8,16%) so với năm 2015, với tổng số tiền thụ lý trên 60.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 45% của cả nước, tăng trên 11.788 tỷ đồng (tăng 24,37%) so với năm 2015, tính bình quân mỗi chấp hành viên phải thụ lý giải quyết trên 325 việc và gần 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức độ khó khăn, phức tạp của các vụ việc cũng rất cao. Do vậy, nếu không có những giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo thì có thể nói rất khó để hoàn thành được các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cấp trên giao.
Để đạt được những kết quả khả quan như những năm vừa qua. Trước hết, đó là do cơ quan THADS thành phố đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tư pháp, của lãnh đạo Tổng cục THADS và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Thành ủy, UBND thành phố và sự phối hợp, hỗ trợ các cấp chính quyền địa phương. Do vậy, đã tạo thuận lợi cho cơ quan thi hành án thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan thi hành án phải là một tập thể đoàn kết, gắn bó và cùng phấn đấu vì mục tiêu chung.
Về phía lãnh đạo Cục THADS, chúng tôi luôn trăn trở tìm các giải pháp, sáng tạo, đổi mới, cụ thể để ngày càng nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác THADS, làm sao để đáp ứng được nhiều hơn nữa sự mong đợi của người dân và các tổ chức.
Trên cơ sở của các nhiệm vụ trọng tâm, chúng tôi xây dựng các giải pháp cụ thể, ví dụ như năm 2017 này chúng tôi đã triển khai một số giải pháp cơ bản, như: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức; kiện toàn tổ chức các cơ quan THADS, phân bổ biên chế hợp lý đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị; nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của tất cả các cơ quan THADS; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phát huy công tác kiểm tra nội bộ đối với từng đơn vị, đặc biệt là kiểm tra công tác quản lý tài chính; quản lý, phân loại hồ sơ thi hành án, tổ chức thi hành án; không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật; tập trung xử lý, giải quyết thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng. Đặc biệt là các vụ án lớn được dư luận xã hội quan tâm.
Năm 2017, TP Hồ Chí Minh tập trung ưu tiên giải quyết án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, thu hồi nợ xấu và các vụ án tham nhũng. Xin ông cho biết Cục THADS tập trung xử lý những vụ việc này như thế nào?
- Có thể nói việc giải quyết án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, thu hồi nợ xấu và các vụ án tham nhũng không chỉ mới được tập trung ưu tiên giải quyết trong năm 2017, mà trong những năm vừa qua chúng tôi luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Đối với án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng: từ những năm 2013 Cục THADS TP Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, một trong những giải pháp đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác THADS tại TP Hồ Chí Minh, đó là: Tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cơ quan THADS với các tổ chức tín dụng trong giải quyết hồ sơ thi hành án.
Để thực hiện giải pháp trên, một số hoạt động đã được lãnh đạo Cục THADS TP Hồ Chí Minh chỉ đạo triển khai thực hiện như: Tổ chức hội nghị tập huấn Luật THADS cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; 06 tháng một lần tổ chức Hội nghị sơ kết việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho lãnh đạo, chấp hành viên, cán bộ của hai ngành có dịp gặp gỡ, trao đổi, thảo luận những vướng mắc, bất cập trong xử lý hồ sơ thi hành án liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của các bên.
Đặc biệt, thực hiện việc các tổ chức tín dụng, ngân hàng được lựa chọn Chấp hành viên để tổ chức thi hành án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành án là các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong việc yêu cầu thi hành án; hạn chế việc gây phiền hà, nhũng nhiễu trong hoạt động THADS. Bên cạnh đó, còn tổ chức đối thoại giữa chấp hành viên, lãnh đạo cơ quan THADS với tổ chức tín dụng, ngân hàng; thành lập tổ giải quyết án tín dụng ngân hàng với thành viên là lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo đối với từng vụ việc.
Đối với các vụ án tham nhũng, đặc biệt các vụ án có giá trị lớn, được dư luận quan tâm thì công tác giám sát và chỉ đạo giải quyết các vụ việc này chúng tôi đều giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo Cục trực tiếp chỉ đạo. Còn công tác trực tiếp tổ chức thi hành thì giao cho các chấp hành viên có nhiều kinh nghiệm và nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, các vụ án lớn có nhiều tài sản thì thành lập các tổ chức chấp hành viên phối hợp cùng tổ chức thi hành. Việc tổ chức thi hành thì phải có kế hoạch và tiến độ rõ ràng.
Hàng tháng, hàng quý các chấp hành viên đều phải báo cáo tiến độ thi hành và các khó khăn, vướng mắc nếu có để lãnh đạo kịp thời hỗ trợ, chỉ đạo. Đồng thời, Cục Thi hành án có báo cáo gửi cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, lãnh đạo Bộ và Tổng cục để các cơ quan cấp trên biết và kịp thời chỉ đạo nếu có khó khăn, vướng mắc.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là các việc liên quan đến người dân theo hướng đơn giản, thuận tiện, giảm chi phí thông qua cơ chế một cửa, hỗ trợ yêu cầu trực tuyến thi hành án… được TP Hồ Chí Minh thực hiện trong thời gian qua như thế nào và hướng phát triển trong thời gian tới?
- Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS về cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa cần phải tăng cường việc ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong hệ thống THADS. Thời gian qua, bước đầu đã có chuyển biến tích cực, góp phần cải cách hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành và đảm bảo cho hoạt động THADS ngày càng minh bạch, tiết kiệm, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Về thực hiện thí điểm hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án được Cục THADS thành phố và một số Chi cục trực thuộc thực hiện từ 01/6/2016. Các yêu cầu trực tuyến được thực hiện thông qua các hộp thư điện tử đã được cấp. Kết quả thí điểm hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho người được thi hành án có thể chủ động truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Cục THADS thành phố để tìm hiểu các thủ tục và nộp đơn yêu cầu thi hành án thông qua thư điện tử (email).
Về thực hiện cơ chế “một cửa” trong hoạt động THADS đã giải quyết 1749 trường hợp, trong đó tại Cục THADS TP Hồ Chí Minh là 486 trường hợp; tại 24 Chi cục THADS quận, huyện là 1263 trường hợp.
Trong thời gian tới Cục trưởng Cục THADS thành phố, sẽ triển khai ứng dụng Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức THADS và báo cáo thống kê THADS theo chế độ báo cáo thống kê THADS theo quy định pháp luật mà Cục THADS thành phố đang xây dựng và thí điểm.
Xin cảm ơn ông!