Tạo cơ chế thông tin thông suốt trong hoạt động giám định tư pháp

(PLO) - Đây là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại cuộc họp về Dự thảo Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác giám định tư pháp (GĐTP) diễn ra sáng qua (1/8) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian qua, quan hệ phối hợp giữa ngành Tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quản lý GĐTP đã được quan tâm, cải thiện song vẫn còn một số hạn chế, bất cập nên đã gây khó khăn cho hoạt động tố tụng nói chung, đặc biệt là hoạt động chỉ đạo, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Vì vậy, việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác GĐTP là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định của pháp luật về GĐTP, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động giám định. Qua đó, góp phần đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian tới.

Theo đó, Quy chế sẽ tạo lập cơ chế thông tin thông suốt, kịp thời và phối hợp toàn diện, hiệu quả giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSNDTC, TANDTC trong tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động GĐTP dựa trên nguyên tắc thường xuyên, kịp thời, đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị. Công tác phối hợp được triển khai dưới nhiều hình thức. Cùng với đó, Quy chế cũng quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan có liên quan để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả phối hợp trên thực tế.

Theo ông Hoàng Ngọc Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, GĐTP là lĩnh vực rất rộng và còn nhiều khó khăn nên việc ban hành Quy chế là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, cần xác định rõ vai trò của Bộ Tư pháp trong việc làm đầu mối tiếp nhận thông tin, khó khăn trong lĩnh vực GĐTP, đặc biệt là trong trưng cầu và tiến hành giám định, sau đó Bộ Tư pháp tổ chức họp liên ngành để tháo gỡ chứ để các bộ tự nêu lên vướng mắc thì sẽ không hiệu quả. Song song với đó, phải quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thông báo các vướng mắc, vấn đề phát sinh trong hoạt động giám định để kịp thời tháo gỡ.

Ngoài ra, ông Phương cũng nêu lên thực tế Cơ quan Cảnh sát điều tra có nhiệm vụ tổng hợp, nắm bắt các thông tin về trưng cầu giám định vì đây là hoạt động điều tra, tuy nhiên hoạt động giám định pháp y còn gặp rất nhiều vướng mắc do còn một số quy định bị vênh giữa Bộ Công an và Bộ Y tế. Do đó, cần thiết đưa Bộ Y tế vào Quy chế phối hợp vì giám định pháp y là mảng việc lớn và rất phức tạp.

Còn đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng nhu cầu về cung cấp thông tin trong lĩnh vực GĐTP là rất lớn nhưng các bộ, ngành, địa phương còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hầu hết các bộ chỉ giải quyết mảng việc thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Bất cứ mảng việc giám định nào như giám định pháp y, tài chính, xây dựng… đều liên quan đến nhiều bộ, ngành nên rất cần sự phối hợp liên ngành, trong đó Bộ Tư pháp phải là đơn vị đầu mối và có trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá GĐTP là lĩnh vực lớn, chủ yếu còn nhiều khó khăn trong hoạt động trưng cầu giám định trong các vụ án tham nhũng, xây dựng, tài chính do còn thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chuyên môn với các cơ quan tố tụng. Thứ trưởng nhận định mỗi bộ, ngành đều có khó khăn riêng song phải xác định khó khăn chung là thiếu sự đồng nhất và sự phối hợp chặt chẽ.

Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu Quy chế phối hợp cần tập trung giải quyết những khó khăn trong khâu trưng cầu, tổ chức giám định, vấn đề kinh phí trong các án tham nhũng, án kinh tế lớn đồng thời nghiên cứu, cân nhắc đưa Bộ Y tế vào để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của Quy chế trên thực tế.

Đọc thêm