Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 (Đề án 258) sau hơn 05 năm triển khai thực hiện đã đạt nhiều kết quả.
Có biến chuyển nhưng chưa phải là căn bản, đột phá
Cùng với Luật GĐTP năm 2012 và 38 văn bản hướng dẫn do Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực giám định ban hành, các chế độ chính sách đối với người GĐTP được quan tâm, chăm lo hơn; hệ thống tổ chức GĐTP công lập trong lĩnh vực pháp y được củng cố, hoàn thiện một bước; cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động của các tổ chức GĐTP được quan tâm đầu tư, tăng cường; đội ngũ giám định viên tư pháp, người GĐTP theo vụ việc có sự phát triển ngày càng nhanh cả về số lượng và chất lượng; phạm vi GĐTP được mở rộng gắn với việc cho phép một số người tham gia tố tụng quyền tự mình yêu cầu GĐTP; chất lượng và hiệu quả hoạt động GĐTP đã được nâng lên một bước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng; quản lý nhà nước về hoạt động GĐTP có sự đổi mới...
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, Bộ Tư pháp đánh giá, công tác GĐTP tuy đã có biến chuyển nhưng chưa phải là căn bản, đột phá, còn có những hạn chế, bất cập như nhận thức của các cấp, các ngành về GĐTP có được nâng lên nhưng chưa đầy đủ và thống nhất; thể chế cần tiếp tục hoàn thiện; nhiều vướng mắc, khó khăn trong hoạt động GĐTP cần tiếp tục giải quyết, nhất là trước yêu cầu của tình hình mới của cải cách tư pháp và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.
Dự thảo Đề án đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đó là tiếp tục hoàn thiện chế định GĐTP, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý GĐTP đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới; hoàn thiện hệ thống tổ chức GĐTP từ Trung ương xuống địa phương và tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện hoạt động GĐTP; phát triển đội ngũ người GĐTP cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GĐTP, đổi mới hoạt động trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá kết luận giám định; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về công tác GĐTP và thực thi pháp luật.
Đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp
Đáng chú ý, nhằm đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa hoạt động GĐTP, Dự thảo Đề án đã giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường xã hội hóa hoạt động GĐTP trong thời gian tới cho Bộ Tư pháp. Đồng thời có quy định về tổ chức thí điểm thành lập Văn phòng GĐTP ở một số lĩnh vực, chuyên ngành mà người dân, xã hội có nhu cầu lớn như một số chuyên ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự (dấu vết tài liệu, ADN...) và một số lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Đề án. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo hướng tăng cường xã hội hóa GĐTP ở những lĩnh vực có nhiều nhu cầu giám định.
Bên cạnh đó, để nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ người GĐTP, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng thì cần tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp lý cho đội ngũ người GĐTP theo yêu cầu và đặc thù của từng lĩnh vực giám định; rà soát, củng cố và phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp và người GĐTP theo vụ việc ở từng lĩnh vực gắn với nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng bảo đảm phục vụ kịp thời, có chất lượng yêu cầu hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, phòng chống tham nhũng; đặc biệt là hoàn thiện và thực thi chính sách đãi ngộ thỏa đáng về vật chất và phi vật chất đối với những người làm GĐTP. Đây được coi là một trong những nhóm giải pháp quan trọng, trực tiếp bảo đảm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GĐTP.